24 October, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Trong giao tiếp, việc biết lắng nghe không những khiến chúng ta nhận được những ý kiến của người nói mà còn là sự kính trọng và cảm kích từ họ. Hơn nữa, việc lắng nghe chủ động còn giúp tránh những hiểu lầm không đáng có và làm giảm nguy cơ mâu thuẫn. Dưới đây là 10 cách giúp bạn có thể tăng cường hiệu quả trong giao tiếp và khiến người đối diện cảm thấy rằng họ được tôn trọng.
1. Giao tiếp bằng mắt với người nói
Giao tiếp bằng mắt là một yếu tố quan trọng trong những cuộc đối thoại trực diện. Tuy vậy, nếu bạn nhìn thẳng vào mắt người khác quá lâu sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Hãy thử nhìn vào mỗi bên mắt của người nói trong 5 giây rồi chuyển qua nhìn miệng họ. Khi không muốn nhìn nữa, hãy quay sang bên hoặc nhìn lên phía trên hơn là nhìn xuống dưới bởi cử chỉ đó giống như bạn đang muốn kết thúc cuộc trò chuyện.
Hãy chú ý giao tiếp bằng mắt và thể hiện những cử chỉ nhỏ để cho thấy rằng bạn đang lắng nghe
Bên cạnh đó, hãy đảm bảo rằng tư thế của bạn đang thật cởi mở và tự nhiên. Tránh khoanh tay hoặc bắt chéo chân bởi những động tác này khiến bạn trông khó gần hơn. Bạn cũng có thể ngả nhẹ người về phía trước hoặc nghiêng sang bên khi lắng nghe, hoặc bày tỏ sự chú ý bằng cách nghiêng đầu hay chống cằm.
2. Lắng nghe những “dấu hiệu” khác
Biểu cảm, tông giọng hay cử chỉ có thể mang lại cho bạn nhiều thông tin hơn là lời nói của họ. Hãy chú ý đến những hành vi của đối phương, như là cười thân thiện, khoanh chéo tay phòng thủ hay dụi mắt mệt mỏi. Kể cả khi nói chuyện trên điện thoại, tông giọng uể oải hoặc phấn khởi của phía bên kia cũng sẽ khiến bạn nắm bắt được ít nhiều thông tin về họ.
3. Đừng nên ngắt lời
Gián đoạn lời người khác khiến người khác hiểu rằng bạn đang tỏ vẻ “thượng đẳng” và không có thời gian để lắng nghe họ. Nếu bạn là người mau mồm miệng, hãy kiềm chế bản thân để người nói có cơ hội bày tỏ và thể hiện bản thân. Sẽ có những khoảnh khắc mà họ im lặng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn nên chen ngang. Lắng nghe cẩn thận sẽ giúp ta hiểu rõ được nội dung mà người nói muốn truyền tải tốt hơn.
Có đôi lúc người nói cũng bị gián đoạn khi bạn đáp lại một số điều mà họ đã nói trước đó. Vào lúc này, bạn có thể khéo léo điều hướng cuộc trò chuyện bằng cách nhắc lại nội dung mà họ đang dang dở.
4. Không phán xét hay vội vã kết luận
Nếu bạn quá kích động, đây sẽ là rào cản cho cuộc trò chuyện. Hãy cố gắng tập trung lắng nghe. Và cũng không nên vội vàng đoán trước những điều sắp được nói sau đó.
Tránh kích động hoặc vội vã kết luận về những gì người khác nói
5. Không mải nghĩ về những điều tiếp theo
Rất khó để bạn có thể vừa lắng nghe và vừa chuẩn bị cho những điều định nói trong cùng một lúc.
6. Cho thấy rằng bạn đang lắng nghe
Bạn có thể gật đầu, mỉm cười và đệm một số từ như “ừ”, “đúng rồi”,… để cho người đối diện thấy rằng bạn đang nghe và khuyến khích họ tiếp tục nói. Không nên nhìn đồng hồ quá nhiều lần, tỏ ra bồn chồn hoặc nghịch tóc hay móng tay.
7. Không nên áp đặt ý kiến của bản thân
Việc trở thành một người biết lắng nghe và thấu hiểu sẽ tốt hơn là chỉ biết đưa ra những lời khuyên. Khi người thân của chúng ta bị bệnh, có thể họ chỉ muốn thông báo, tâm sự và giãi bày với bạn hơn là nhận được hàng tá lời khuyên về những gì họ nên làm.
Nhiều lúc điều chúng ta thực sự cần chỉ là một người biết lắng nghe
Điều này cũng tương tự với nhiều khía cạnh khác của cuộc sống khi mà có nhiều người luôn thích đưa ra giải pháp. Nếu bạn rất muốn chia sẻ về phương án mà bạn cho là tối ưu, hãy hỏi người nói rằng có muốn nghe gợi ý từ bạn không.
8. Giữ tập trung
Nếu bạn cảm thấy khó tập trung lắng nghe, hãy thử lặp lại song song với những gì họ đang nói. Điều này sẽ củng cố lại trí nhớ của bạn và giúp bạn tập trung hơn. Hãy cố gắng bỏ qua những yếu tố gây nhiễu từ ngoại cảnh như tiếng ồn hay chuyển động khác. Và hãy dẹp điện thoại sang một bên bởi đây là tác nhân gây xao lãng lớn nhất.
9. Đặt lại câu hỏi
Việc đặt ra những câu hỏi liên quan không những cho thấy bạn đang lắng nghe mà còn giúp làm rõ những gì đã được trao đổi. Nếu bạn không chắc chắn về những điều người nói đã trình bày, hãy chờ đến lúc họ ngừng lại và hỏi rằng: “Có phải bạn cho rằng…” hoặc “Tôi không chắc là tôi đã hiểu đúng về việc bạn cho rằng… chưa.” Bạn cũng có thể đặt một số câu hỏi mở, ví dụ như: “Sao bạn lại cảm thấy như vậy?” hoặc “Vậy sau đó bạn đã làm gì?” để tiếp tục cuộc trò chuyện.
10. Diễn giải lại
Diễn giải là cách cho thấy bạn đã hiểu rõ vấn đề. Điều này nghe có vẻ rất khó xử, nhưng đây là cách tốt để bạn và người nói có thể hiểu rõ về quan điểm của nhau. Nếu bạn không biết làm điều này, hãy thử nói với họ: “Nghe như bạn đang nói rằng… “
Yến Nhi
(theo BHF)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cốc nguyệt san – “Cứu tinh” cho chị em ngày đèn đỏ
Để hai bên cùng “muốn” tình dục thăng hoa
Ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng đến mẹ và thai nhi
Chăm sóc trước và trong khi sinh để “mẹ tròn con vuông”
Đánh giá