Thế giới ảo, hậu quả thật
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên với sự nhập cuộc chủ động, có những biện pháp mạnh mẽ và phù hợp, Việt Nam hiện đang kiểm soát được tình hình, đạt những kết quả tích cực bước đầu với hơn 50% số lượng người nhiễm được chữa khỏi bệnh và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong, được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Dẫu vậy, thời gian qua lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch lên các trang mạng xã hội để “câu like, câu view” làm hoang mang dư luận. Hầu hết những đối tượng này đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, chủ yếu là mức xử phạt hành chính.
Tin giả, tin thất thiệt trên mạng xã hội về COVID-19 nói riêng, các vấn đề khác là vấn nạn cần phải loại bỏ. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến trung tuần tháng 3/2020, đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều địa phương như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... đã vào cuộc, làm việc với các trường hợp đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19; xử phạt vi phạm hành chính nhiều đối tượng với mức tối đa.
Thậm chí, một số nghệ sĩ có sức ảnh hưởng tới công chúng do nhận thức chưa đầy đủ đã “pót” những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật hoặc phát ngôn sai lệch về COVID-19 tại Việt Nam làm nhân dân rất bức xúc. Các nghệ sĩ này đã phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174, cam kết không tái phạm hành vi sai trái. Tương tự, một số giáo viên ở tỉnh Hà Giang cũng phải làm việc với cơ quan chức năng khi đưa lên facebook, zalo những tin tức không đúng, không có thật về dịch bệnh tại địa phương như: “Toang thật rồi ông giáo ạ”, “Nghe nói trên Bắc Mê có một người đã dính covid- 19 rồi, các bác ạ...”.
Kỳ vọng liều thuốc đặc hiệu
Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4 thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP được cho là phương thuốc mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận trên mạng đang lan tràn hiện nay.
Trong đó, riêng việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội cũng đã rõ ràng hơn ở Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội đã được làm rõ tại Điều 101 “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc...
Đặc biệt gần đây, Công an Hà Nội cho biết sẽ khởi tố hình sự người tung tin giả về COVID-19. Theo đó, người nào có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh gây dư luận xấu sẽ bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Trường hợp đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống COVID-19 hoặc người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh sẽ bị xử lý về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt cao nhất 5 năm tù.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết, người dân lúc này cần sáng suốt trong tiếp nhận và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh. Một thông tin chưa được kiểm chứng, một hành ảnh gán ghép vô lối hay lợi dụng hình ảnh người khác để đưa thông tin sai lệch sẽ làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch; đồng thời cá nhân, tổ chức đó sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật mới nhất.
Mộc Lan
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Tăng cường sức đề kháng cho người cao tuổi chống vi rút
Bệnh phụ khoa – nguy cơ vô sinh ở phụ nữ
Liệu bạn có miễn dịch với Coronavirus?
Đánh giá