28 December, 2016 0 nhận xét Nhận xét
Hầu như ngày nào cơ quan thú y tại chợ Bình Điền cũng phát hiện heo bơm nước từ Long An tuồn vào.
“Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp vẫn còn xảy ra do sự thiếu hiểu biết và đặt lợi nhuận trên hết của nhà sản xuất, kinh doanh”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 26/12.
Đẩy lùi chất cấm salbutamol, vàng ô
Liên quan đến lĩnh vực ATTP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2016 là năm đầu tiên cả ba bộ Công an, NN&PTNT, Y tế và cơ quan Quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên phạm vi cả nước, đồng thời tiến hành xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về việc sử dụng và buôn bán chất cấm.
Đến nay, ngành nông nghiệp đã kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất chăn nuôi. Riêng trong sáu tháng cuối năm, Thanh tra Bộ NN&PTNT không phát hiện salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, đánh giá: “Cái được lớn nhất của năm vừa qua là đã đẩy lùi được chất cấm salbutamol và vàng ô. Tới đây chúng tôi cũng tham mưu để đưa chất cysteamine vào danh mục chất cấm”.
Ông Việt cũng cho biết trong năm vừa qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã xử lý vi phạm được số tiền là 6 tỉ đồng liên quan đến lĩnh vực vệ sinh ATTP.
Heo bẩn, thủy sản nhiễm chất cấm vẫn tăng
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) 11 tháng đầu năm 2016 cho thấy cả nước phát hiện hơn 80 vụ vi phạm bơm nước vào gia súc, gia cầm trước khi giết mổ, tăng 48 vụ so với năm 2015. Chưa hết, qua kiểm tra phát hiện 8,3% mẫu thịt tươi tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu chỉ tiêu vi sinh.
Trong khi tỉ lệ rau, củ, quả tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép là 4,1%, giảm so với năm 2015 (7,76%) thì tỉ lệ thủy sản nuôi chứa hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 3,68%, tăng so với năm 2015 (2,24%).
“Ngành NN&PTNT chỉ mới hoàn thành mục tiêu ngăn chặn, xử lý dứt điểm thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Riêng mục tiêu ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản thì chưa hoàn thành. Cần có sự phối hợp, chủ động hơn nữa ở các địa phương trong việc giám sát và kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết TP.HCM đang đối mặt với tình trạng thịt heo bơm nước có nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào.
“Hầu như ngày nào cơ quan thú y tại chợ đầu mối Bình Điền cũng phát hiện thịt heo bơm nước từ Long An tuồn vào. Càng gần tết thì lượng heo bơm nước đưa vào TP.HCM càng nhiều. Khi phát hiện, cơ quan thú y TP.HCM kiên quyết xử phạt nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện” - ông Nguyên nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết kết quả khảo sát ghi nhận 3% mẫu thủy sản từ các tỉnh đưa vào chợ đầu mối Bình Điền nhiễm kháng sinh cấm. Theo ông Trung, phát hiện lô hàng thủy sản của tỉnh nào sai phạm thì TP.HCM thông báo đến cơ quan thẩm quyền của tỉnh đó để xử lý. “Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT TP.HCM cũng đề nghị ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền xử phạt tiểu thương kinh doanh thủy sản nhiễm kháng sinh cấm, nếu tái phạm thì tạm đình chỉ kinh doanh” - ông Trung nói.
Bãi bỏ những chính sách ràng buộc nông nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sáu tháng đầu năm nay nông nghiệp tăng trưởng âm, nhất là lũ lụt vừa qua ở các tỉnh miền Trung đã gây ra thiệt hại về người, tài sản ước tính 4.000 tỉ đồng. Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều yếu kém của nền nông nghiệp như khoa học-công nghệ lạc hậu , tình trạng thiếu ATTP do trách nhiệm, hiểu biết kinh doanh yếu kém, hạn chế. Trong khi đó đầu vào của nông nghiệp là thuốc trừ sâu, phân bón, quản lý chưa tốt…
Thủ tướng yêu cầu ngành NN&PTNT và chính quyền các địa phương cần sớm khắc phục thiên tai, những bức xúc của miền Trung, lo tết cho người dân không bị “đứt bữa, đói cơm”, đặc biệt là các tỉnh hứng chịu thiên tai. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu xu hướng nông nghiệp sạch của thời đại để có bước đi vững chắc.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những giải pháp, hướng đi phù hợp với ngành nông nghiệp. Một là liên kết chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Hai là phát triển công nghiệp chế biến có chiều sâu, sản phẩm chất lượng. Ba là tiếp tục khai thác các thế mạnh, sản phẩm của từng địa phương, vùng. Bốn là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng chống chịu với thiên tai. Năm là hoàn thiện cơ chế chính sách đất đai. Những chính sách nào ràng buộc nông nghiệp không phát triển được thì phải bãi bỏ để vì người dân, vì ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đừng để chính sách đó bó buộc sự phát triển.
Theo Dân trí
Các bài gần đây
Đau bụng kinh - Ác mộng của con gái tuổi teen
4 vấn đề nổi cộm về sức khỏe trong năm 2016 khiến ai cũng giật mình lo lắng cho bản thân
Đánh giá