13 January, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Bộ Y tế nhận định trong năm 2017, dịch bệnh do vi rút Zika sẽ tăng cả về số ca bệnh và số địa phương có bệnh lưu hành.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết và đây cũng là thời điểm dịch bệnh cuối năm bùng phát, lây lan. Đáng nói là có những loại dịch bệnh dù ít nguy hiểm nhưng gây phiền toái không ít cho những ai mắc phải.
Suýt chết vì… cảm cúm
Ca bệnh vừa được Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP HCM kịp thời cứu chữa mới đây là một nữ du học sinh Việt Nam. Chị Q. (20 tuổi) được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, khó thở dữ dội, vã mồ hôi, tím tái..., được chẩn đoán cơn hen phế quản. Bị hen từ nhỏ nhưng gần đây thấy khỏe nên chị Q. tự ngưng thuốc. Một tuần gần đây, chị Q. có triệu chứng ho, hắt hơi, nghĩ là cảm nhẹ nên tự điều trị bằng thuốc hạ sốt, thuốc ho trong lúc cùng gia đình tiếp tục du lịch nhiều nơi.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó Khoa Cấp cứu BV ĐH Y Dược TP HCM, do bệnh nhân chưa được kiểm soát bệnh hen tốt, lại bị cảm cả tuần mà không dùng thuốc đúng cách, sức đề kháng suy giảm, dễ bị bội nhiễm vi trùng. Ngoài ra, chị còn dùng các thuốc ức chế ho không phù hợp làm ứ đọng đàm nhớt, kích thích viêm, kích thích co thắt phế quản trầm trọng, làm cơn hen bùng phát dữ dội, đe dọa tính mạng.
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ cảm cúm là bệnh thông thường nên khá chủ quan. Thực tế, không ít trường hợp bệnh trở nặng, tiến triển nhanh chóng, bệnh nhân suýt tử vong vì đến BV chậm. Trong phần lớn trường hợp, cúm mùa thông thường chỉ gây “khó dễ” chừng vài ngày đến một tuần là khỏi với các triệu chứng hắt hơi, nhức đầu, sổ mũi. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp mắc các loại cúm dễ diễn biến nặng. Trên đây là trường hợp điển hình, cũng có các biểu hiện ban đầu giống hệt cúm mùa. May là được hồi sức tích cực, khai thông đường thở khẩn cấp, nếu không có thể tử vong.
Bệnh nhân mắc cảm cúm suýt chết vừa được Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cứu chữa.
Khốn khổ với thủy đậu
Loại dịch bệnh gây không ít phiền phức vào dịp cuối năm phải kể đến thủy đậu. Ai cũng muốn mình có thể trạng tốt, đặc biệt là dịp Tết, nhưng chẳng may “dính” bệnh này thì xem như… bi kịch ngày Xuân.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, gần đây tại TP đã bùng phát ít nhất 2 ổ dịch thủy đậu. Ổ dịch mới nhất được ghi nhận trong những ngày đầu năm 2017 này có địa chỉ ở một cao ốc tại quận Tân Bình với 5 người mắc. Đáng nói là cách đó chưa lâu, một ổ dịch thủy đậu khác đã tấn công Công ty TNHH G. nằm trong KCX Tân Thuận, quận 7 - nơi có hàng chục ngàn lao động làm việc. Theo thống kê, đã có tổng cộng 31 công nhân tại đây mắc thủy đậu, trong đó có 30 công nhân ở phân xưởng may và một công nhân ở phân xưởng cắt. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 12/31 ca không có tiếp xúc với nguồn lây từ cộng đồng trước đó.
Theo quy định, một công ty hoặc cơ quan công sở, trường học khi biết có trường hợp bị thủy đậu thì phải thông báo với người xung quanh, đặc biệt là những người cùng làm việc với người bệnh. Nếu phát hiện 2 ca bệnh trong vòng 14 ngày, cần báo ngay cho y tế địa phương. Thế nhưng, sự hợp tác này không phải nơi nào cũng thực hiện.
Zika phức tạp, khó lường
Trên địa bàn TP HCM, hiện số ca mắc bệnh Zika đang tăng từng ngày. Đến thời điểm này đã có 200 ca và chỉ có quận 8 là nơi chưa xuất hiện ca bệnh; 2 nơi có số người mắc bệnh cao nhất là quận Bình Thạnh và quận 2.
Theo bác sĩ Phan Thanh Bình, Phó Khoa Chăm sóc trước sinh BV Từ Dũ, tỉ lệ dị tật nói chung do nhiễm virus Zika đã báo cáo cho tới nay khoảng 20%. Hiện có khoảng 20 trường hợp phụ nữ mang thai đang được theo dõi và mới có 1 trường hợp sinh tại BV nhưng chưa phát hiện dị tật. Tuy vậy, đây là một dịch bệnh mới nên chưa thể đánh giá hết ảnh hưởng cho đến thời điểm này.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, dự báo các bệnh dịch mới nổi có thể tiếp tục bùng phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành y tế cũng đã lên nhiều kịch bản khác nhau để dự phòng, ứng phó với các tình huống.
Theo Dân trí
Các bài gần đây
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các câu hỏi thường gặp về VÔ SINH- HIẾM MUỘN ở nữ
Các câu hỏi về VÔ SINH - HIẾM MUỘN ở NAM giới.
Fertilaid điều trị Vô sinh - hiếm muộn như thế nào?
Đánh giá