12 October, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Theo nghiên cứu của Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam, cơ cấu dân số của nước ta đang bị già hóa với tốc độ rất nhanh do đó, vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là vấn đề đáng được lưu tâm của toàn xã hội hiện nay. Bên cạnh việc dùng thuốc trị bệnh thì việc sử dụng thực phẩm chức năng cho đối tượng này cũng hết sức lưu ý...
Thực phẩm chức năng là gì?
Hiện nay, thực phẩm chức năng được bào chế, đóng gói dưới dạng các sản phẩm có hình dáng tương tự như các sản phẩm thuốc trên thị trường (như dạng viên nén, viên nhộng, dạng bột…). Do đó, không phải ai cũng có thể phân biệt được sản phẩm nào là thực phẩm chức năng và sản phẩm nào là thuốc điều trị. Theo định nghĩa, “thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng để hỗ trợ (phục hồi, tăng cường và duy trì) các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”. Theo đó, thực phẩm không có tác dụng chữa bệnh trực tiếp mà chỉ giúp hỗ trợ điều trị, nên không thể thay thế cho thuốc trong các trường hợp bệnh lí. Thực phẩm chức năng có thể được dùng thường xuyên và liên tục do hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm thường không cao và được dựa theo nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Cách đơn giản nhất để người sử dụng có thể phân biệt được sản phầm nào là thực phẩm chức năng là dựa và thông tin ghi trên trãn thuốc và trong tờ hướng dẫn sử dụng.
Sử dụng thực phẩm chức năng cho NCT cần thận trọng.
Lợi ích của thực phẩm chức năng đối với người cao tuổi
Thực phẩm chức năng được nhiều người sử dụng như một nguồn bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho người thân trong gia đình. Một số sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường chứa hàm lượng dinh dưỡng cao (như các chế phẩm vitamin và khoáng chất) và được bào chế dưới các dạng sản phẩm thuận tiện cho người dùng.
Bên cạnh khả năng cung cấp dinh dưỡng, một số loại thực phẩm chức năng còn có tác dụng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh mãn tính ở người cao tuổi. Một số sản phẩm chứa các hoạt chất chống oxi hóa, omega-3, men vi sinh, các hoạt chất chiết xuất từ dược liệu cũng được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng. Các hoạt chất này thường là các hợp chất tự nhiên có trong cơ thể, có hoạt tính sinh học và chức năng nhất định nên có hiệu quả trong một số bệnh lí cụ thể. Ví dụ như thực phẩm chức năng có chứa glucosamine, một thành phần cấu tạo nên sụn khớp nên việc bổ sung glucosamine sẽ giúp giảm các triệu chứng thoái hóa khớp. Tuy nhiên ở Mỹ, hoạt chất này không được xem là thuốc và chỉ được dùng điều trị hỗ trợ thoái hóa khớp dưới dạng thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc trong điều trị bệnh, do thực phẩm chức năng chứa hàm lượng hoạt chất thấp. Đối với hoạt chất đã được nghiên cứu đầy đủ thường an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn chế phẩm thuốc. Bên cạnh đó, thực phẩm chức năng được thiết kế để có thể dùng thường xuyên và trong thời gian dài, nên người dùng có thể sử dụng hằng ngày (tùy thuộc vào liều dùng chỉ định) để tăng cường sức khỏe, và phòng ngừa một số bệnh do quá trình lão hóa gây ra.
Cần lưu ý gì khi sử dụng?
Bên cạnh những lợi ích mà thực phẩm chức năng mang lại, thì cũng có nhiều vấn đề đáng được lưu tâm và cân nhắc khi sử dụng cho người cao tuổi. Trong đó, nhiều loại hoạt chất chưa được tiến hành nghiên cứu đầy đủ, chưa có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng để được công nhận là thuốc thì được sản xuất và lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng đặc biệt là đối với người cao tuổi khi sử dụng trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, người già hay mắc phải nhiều bệnh lí do tuổi tác (như cao huyết áp, giãn tĩnh mạch, tiểu đường...) và phải sử dụng nhiều loại thuốc để điều trị. Việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tương tác cũng như các tác dụng không mong muốn. Ví dụ như sử dụng glucosamine có thể gây tăng đề kháng với insulin và do đó ảnh hưởng đến sự dung nạp glucose nên cần cân nhắc khi sử dụng với bệnh nhân tiểu đường.
Theo quy định, bác sĩ không được phép kê đơn hay chỉ định thực phẩm chức năng cho bệnh nhân. Do đó, thực phẩm chức năng thường được người dân tự ý sử dụng và ít có sự tư vấn của các cán bộ y tế đối với việc sử dụng sản phẩm này. Khi không có sự tư vấn của bác sĩ cũng như các bộ y tế, khả năng người cao tuổi xảy ra tương tác và ngộ độc là rất cao. Một số người còn sử dụng thực phẩm chức năng thay thế cho thực phẩm thông thường. Điều này không nên vì thực phẩm chức năng chỉ có vai trò bổ sung chất dinh dưỡng mà không thể thay thế cho các loại thực phẩm thông thường được.
Thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc chữa bệnh
Mặt khác, vấn đề chất lượng của thực phẩm chức năng trên thị trường là cũng là vấn đề đáng phải lưu tâm. Trong những tháng cuối năm 2016, cục An Toàn Thực phẩm – Bộ Y Tế đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về chất lượng của các sản phẩm thực phẩm chức năng như hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh nhất là các thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu. Theo báo cáo tại Hội thảo về thực trạng sử dụng thực phẩm chức năng diễn ra gần đây, có tới 40% thực phẩm chức năng trôi nổi có chứa chất cấm. Và cũng nhiều trường hợp làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng của các hãng nước ngoài được phát hiện vào cuối năm 2016. Điều này chứng tỏ thị trường thực phẩm chức năng ở nước ta đang rất phức tạp, và người chịu hậu quả sau cùng khi sử dụng phải các sản phẩm thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng không ai khác chính là người sử dụng nhất là khi người sử dụng lại là nhóm đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi.
Lời khuyên của bác sĩ
Việc sử dụng thực phẩm chức năng cho người cao tuổi có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt cải thiện thể chất, tinh thần, tăng sức đề kháng và có thể giúp phòng ngừa một số bệnh lí do quá trình lão hóa. Tuy nhiên, mọi người cần tìm hiểu và xác định vai trò và chức năng của sản phẩm, và phân biệt rõ sản phẩm là thuốc hay thực phẩm chức năng trước khi cho người cao tuổi sử dụng. Để hạn chế tương tác có thể xảy ra, không nên uống chung thực phẩm chức năng với các thuốc điều trị khác.Bên cạnh đó, chỉ nên mua thực phẩm chức năng ở các cửa hàng, nhà thuốc có uy tín để tránh trường hợp mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.Hơn nữa, người sử dụng nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn về việc sử dụng thực phẩm chất năng và cần báo cáo ngay với cán bộ y tế về bất kì tác dụng phụ nào xảy ra trong quá trình sử dụng.
DS. Bùi Đức Trí
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Men vi sinh tăng cường sức khỏe não bộ như thế nào?
Tại sao phải bổ sung kali khi dùng thuốc lợi tiểu?
Những hành động giúp chống stress, trầm cảm hiệu quả
Ung thư vú liên quan tới mất cân bằng vi khuẩn
Nguyên nhân và cách chữa trị vô kinh
Đánh giá