14 February, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Nổi vảy trên da đầu
Những vảy nến màu hồng hay cam xuất hiện trên vùng da đầu của bé. Mức độ có thể từ nhẹ đến nổi dày (khiến bé giống như đang đội thêm một cái mũ trên đầu vậy). Thời gian xuất hiện thường vào khoảng tháng thứ 1 hoặc 2 sau khi sinh, thậm chí bất cứ lúc nào trong 2 năm đầu đời. Nguyên nhân do đây là một hình thức viêm da tiết dầu nội tiết, nó cũng là nguyên nhân gây ra gàu ở các lứa tuổi khác. Nguyên nhân phổ biến là do một loại nấm men, chúng có ở tất cả các loại da của mọi người, nhưng có cơ hội sinh sôi ở da nhờn, như vùng da đầu. Trẻ sơ sinh dễ bị vảy ở da đầu vì hormone của mẹ vẫn còn lưu giữ trên cơ thể của bé đã sản sinh nên một lượng dầu, tăng tiết bã nhờn.
Giải pháp cho tình trạng này là: Đối với trường hợp nhẹ, mẹ chỉ cần nhẹ nhàng làm sạch nấm bằng loại dầu gội dành cho bé. Mẹ có thể thoa thêm khoáng chất, hoặc dầu ôliu, massage da đầu cho bé, sau đó gội sạch. Không sao nếu mẹ sử dụng ngón tay hay một bàn chải tơ mảnh để cào nhẹ cho các mảng nấm rơi khỏi đầu bé, nhưng nhớ là phải thật nhẹ nhàng. Nếu cào mạnh thì bạn sẽ làm tổn thương da đầu của bé, làm cho vảy nến càng có cơ hội phát sinh thêm. Với trường hợp bị nặng, có thể dùng loại dầu gội đầu đặc trị gàu dành riêng cho bé.
Những nốt mụn ngứa đỏ ửng khó chịu là biểu hiện chàm da ở trẻ sơ sinh.
Chàm da
Chàm là một triệu chứng làm khô da ở các làn da nhạy cảm. Bệnh có các biểu hiện: đỏ, sưng tấy, ngứa. Đôi khi còn bị nứt nẻ, khô ráp hoặc trương nước. Chàm da thường xuất hiện ở má, kéo dài khoảng 3 tháng, khiến má của bé bị khô ráp. Chàm có thể lan xuống các bộ phận khác trên cơ thể như ở các nếp nhăn ở cổ, các phần khuỷu, cổ tay và chân.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, có tới 30 - 40% trẻ em bị chàm do đột biến gene tổng hợp protein trong da. Chính điều đó khiến cho quá trình tạo độ ẩm cho da bị chặn lại và chất gây dị ứng không thể bị đào thải mà đọng lại trong da. Bệnh chàm da ở bé có thể do quá trình chuyển hóa thức ăn, do viêm đường hô hấp, bệnh hen suyễn chứ hiếm khi do dị ứng một thứ đặc biệt cụ thể nào đó.
Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh xuất hiện ở khoảng tháng thứ 3 đầu đời và sẽ giảm dần sau một đến vài năm, tuy nhiên, da của bé vẫn thuộc dạng da khô. Thông thường dấu hiệu của vết chàm sẽ không tái phát khi bé lớn lên, bởi trẻ càng lớn thì da sẽ dày và bớt nhạy cảm hơn. Một vài trẻ em có làn da quá khô và có xu hướng dẫn tới bị chàm dị ứng. Vấn đề rắc rối này là một bệnh viêm da dị ứng mạn tính càng ngày càng phổ biến ở trẻ em. Nguyên nhân có liên quan đến các yếu tố về gene và về môi trường.
Cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý: Không để móng tay bé dài, vì có thể gây xước, loét vết chàm. Cắt móng tay cho bé thường xuyên để tránh cào xước da khi bé gãi. Thời gian này mẹ nên tranh thủ tắm nhanh cho bé bằng nước ấm, các loại sữa tắm nhẹ, sau đó thoa thuốc mỡ hay các loại kem. Việc thức ăn hay nước dãi dính vào mặt có thể gây kích ứng da nhạy cảm của bé, vì thế trước khi cho bé ăn hay ngủ mẹ hãy thoa cho bé một ít dung dịch bôi trơn chuyên dùng cho bé sơ sinh. Nếu thấy bé ngứa và gãi nhiều, mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ nhi khoa.
Chú ý, nên mặc cho bé quần áo có chất liệu thoáng mát. Hãy sử dụng quần áo lót bằng chất liệu cotton 100%, tránh dùng len và các vật liệu tổng hợp tiếp xúc trực tiếp trên da của bé. Sử dụng chất giặt tẩy thích hợp và tránh sử dụng chất làm mềm vải, dễ gây kích ứng cho da bé.
Hăm tã
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hăm tã nhưng phổ biến nhất là do nước tiểu của bé đọng lại quá lâu nếu mẹ ít thay tã. Hăm cũng có thể xảy ra do khi tắm xong, người bé còn ẩm mà mẹ đã vội quấn tã... Một nguyên nhân hay gặp nữa là do lạm dụng phấn rôm. Nhiều mẹ rất thích thoa một lượt phấn rôm cho bé sau khi bé tắm xong. Cảm giác bé thơm tho, mát mẻ khiến mẹ lầm tưởng rằng phấn rôm có thể làm mát da mát thịt, chống rôm sẩy và chống hăm. Thực chất phấn rôm dễ làm bít tắc lỗ chân lông, gây khó khăn cho việc thoát ẩm của da và khiến hăm da xuất hiện. Ngoài ra, hăm da ở bé còn do một số nguyên nhân khác như da bị kích ứng với chất liệu của tã lót, tã lót của bé không được sạch sẽ, quấn tã quá chặt, bé ăn thực phẩm mới, bị tiêu chảy kéo dài...
Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa vùng kín cho bé ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi.
Không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn. Bên cạnh đó, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.
BS. LÊ ANH
Theo Sức khỏe đời sống
Triệu chứng khác thường trong thai kỳ cảnh báo bệnh mạn tính sau sinh
Đây là 7 điều đơn giản giúp một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc
Đánh giá