Selen (Selenium) là gì?
Selen là một nguyên tố hiếm rất cần về mặt dinh dưỡng cho con người, là thành phần của hơn 20 Selenoprotein có vai trò quan trọng trong sinh sản, chuyển hóa hormon tuyến giáp, tổng hợp ADN và bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương do quá trình oxy hóa và nhiễm trùng…
Vai trò của selen với trẻ nhỏ
- Với hệ miễn dịch: Selen đóng vai trò thiết yếu trong men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, bao gồm sự phát triển và hoạt động của bạch cầu.
Thiếu hụt selen gây ra ức chế chức năng miễn dịch, ngược lại nếu bổ sung selen sẽ tăng cường khả năng miễn dịch. Thiếu selen còn ức chế khả năng đề kháng chống nhiễm trùng, hậu quả của suy giảm chức năng bạch cầu và tuyến ức.
Ngoài ra selen còn có vai trò trong phục hồi cấu trúc di truyền, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc một số kim loại nặng.
Ảnh minh họa
- Với sự phát triển của cơ thể: Selen cần cho chuyển hóa Iod, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ selen huyết thanh thường thấp hơn có ý nghĩa ở các trẻ bị bướu cổ so với trẻ có kích thước tuyến giáp bình thường.
Bên cạnh đó selen cũng có chức năng như một loại enzyme, là một phần của quá trình tạo hormone tuyến giáp. Hormon tuyến giáp rất qua trọng trong việc kích thích đầu vào năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì.
Do vậy, Selen là vi chất cần thiết và không thể thiếu cho việc phát triển, tăng trưởng, duy trì thể trạng khỏe mạnh ở trẻ nhỏ.
Hàm lượng Selen khuyến cáo cho trẻ
- Đối với trẻ 0-6 tháng nhu cầu selen là 6 mcg/ngày
- Trẻ 7-12 tháng là 10 mcg/ngày
- Trẻ 1-3 tuổi là 17 mcg/ngày
- Trẻ 4-9 tuổi khoảng 20 mcg/ngày
- Với thanh thiếu niên 10-18 tuổi nhu cầu là 26 mcg/ngày ở nữ và 32 mcg/ngày ở nam.
Hai cách bổ sung selen cho trẻ 1-5 tuổi
Giai đoạn từ 1-5 tuổi trẻ rất cần đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để phát triển. Với đặc tính không tự tổng hợp được nhờ cơ thể thì việc bổ sung Selen cho trẻ thời điểm này vô cùng quan trọng và cần được cha mẹ chú ý.
Selen có thể được bổ sung thông qua sự đa dạng các thực phẩm hàng ngày (ảnh minh họa)
Bổ sung thông qua thực phẩm chứa Selen:
- Ở thực vật: Selen có nhiều trong các loại cây họ đậu, tỏi, táo, ngũ cốc, bắp cải, nấm...Đặc biệt trong đậu xanh nảy mầm có chứa rất nhiều Selen dễ hấp thu.
- Ở động vật: Selen có trong tôm, cua, cá, thịt bò, thịt lợn… Đặc biệt da và gan cá là nơi chứa hàm lượng Selen nhiều nhất, tiếp đến là tôm đồng, thịt lợn nạc, lòng đỏ trứng. Hàm lượng Selen trong cá biển và cá nước ngọt là như nhau.
Việc cha mẹ cho trẻ ăn đa dạng các thực phẩm trên ngoài tác dụng bổ sung Selen cho cơ thể các thực phẩm này còn chứa rất nhiều vitamin A, D, E...cùng khoáng chất khác cần thiết cho sự phát triển toàn diện ở trẻ nhỏ.
Sử dụng các sản phẩm bổ sung có chứa Selen: Hiện nay, các thực phẩm chăm sóc sức khỏe có chứa Selen thường ở dạng tổng hợp với tỷ lệ cân đối về thành phần, đủ theo hàm lượng khuyến cáo. Việc sử dụng các sản phẩm này ngày càng được nhiều cha mẹ lựa chọn bởi tính hiệu quả và tiện lợi mang lại.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể mất nước cần bổ sung ngay
Phụ nữ có tuyến tiền liệt không?
Đánh giá