Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe. Trong cơ thể, vitamin D giúp hấp thụ canxi, duy trì xương khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh còi xương và loãng xương, điều hòa gene và tăng trưởng tế bào, điều chỉnh hệ miễn dịch...
Các dấu hiệu của thiếu vitamin D
Nhiều người bị thiếu vitamin D không có triệu chứng. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như:
Dễ nhiễm trùng hoặc đau ốm thường xuyên: Vitamin D giúp hỗ trợ hệ miễn dịch - nó đóng vai trò điều chỉnh chức năng miễn dịch và ức chế các phản ứng viêm. Nghiên cứu cho thấy vitamin D có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Ảnh hưởng tới cơ, xương khớp: Bởi vì vitamin D là chìa khóa cho sức khỏe của xương, sự thiếu hụt có thể gây ra yếu xương và cơ, dẫn đến mệt mỏi. Một nghiên cứu năm 2014 đã phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin D trong 5 tuần đã cải thiện đáng kể các triệu chứng mệt mỏi ở những người tham gia nghiên cứu.
Vitamin D trong cơ thể hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi giúp duy trì độ chắc khỏe của xương. Thiếu vitamin D gây mất xương, loãng xương có thể dẫn tới nguy cơ gãy xương, đau xương và khớp.
Loãng xương có thể do thiếu vitamin D.
Trầm cảm, phiền muộn: Một nghiên cứu năm 2019 đã phát hiện lượng vitamin D thấp có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Vết thương chậm lành: Nếu vết thương mất nhiều thời gian hơn bình thường để chữa lành, đó có thể là dấu hiệu của mức vitamin D thấp. Bởi vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương do nó điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng và các hợp chất hình thành mô mới.
Ảnh hưởng tới phát triển của trẻ nhỏ: Các triệu chứng thiếu vitamin D ở trẻ em có thể biểu hiện hay khóc, hay cáu gắt, các vấn đề về răng, chậm phát triển, còi xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương (cổ tay, đầu gối, xương sườn...) và có thể gây vòng kiềng, dị dạng xương.
Bệnh tự miễn: Vitamin D là một chất điều biến miễn dịch tự nhiên và nghiên cứu cho thấy rằng lượng vitamin này thấp có liên quan đến các bệnh đái tháo đường type 1, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn...
Điều trị thế nào?
Khuyến nghị điều trị nếu mức vitamin D dưới 25 nanomoles/lít (nmol/l).
Khuyến nghị điều trị nếu mức độ vitamin D là 25-50 nmol/l và có các dấu hiệu khác của sự thiếu hụt.
Mức đủ vitamin D là trên 50 nmol/l.
Người lớn bị thiếu vitamin D cần bổ sung 6.000 IU vitamin D-3 mỗi ngày trong 8 tuần hoặc 50.000 IU hàng tuần trong 8 tuần. Khi xét nghiệm máu cho thấy mức độ vitamin D đã tăng lên đầy đủ, có thể dùng liều duy trì 2.000 IU mỗi ngày. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung canxi và đưa ra các lời khuyên khác về chế độ ăn uống và lối sống. Một trong những lời khuyên quan trọng là phơi nắng hợp lý, ánh nắng mặt trời chính là nguồn vitamin D dồi dào và tự nhiên.
Nên bổ sung vitamin D có trong nhiều loại thực phẩm.
Vitamin D trong thực phẩm
Có thể bổ sung vitamin D qua chế độ ăn uống giàu vitamin D. Một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin D cao như cá hồi, nấm, sữa, trứng, dầu gan cá. Tuy nhiên, vitamin D tự nhiên có trong rất ít thực phẩm và thường có lượng quá thấp để đáp ứng đủ lượng khuyến nghị hàng ngày. Vì vậy, có thể sử dụng chất bổ sung và thực phẩm tăng cường có chứa vitamin D2 hoặc D3.
Khi nào cần kiểm tra?
Bất kỳ ai gặp các triệu chứng thiếu vitamin D kể trên đều nên đi khám và tư vấn bác sĩ. Để biết có thiếu hụt vitamin D hay không chỉ bằng một xét nghiệm máu đơn giản. Ngoài ra, điều quan trọng là phải có ý kiến của bác sĩ trước khi dùng các chất bổ sung để tránh sử dụng vượt quá lượng khuyến nghị. Thiếu hoặc thừa vitamin D đều có thể gây tác hại cho sức khỏe.
BS. Hà Thu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Ngừa 4 bệnh ngoài da ở vùng kín nam giới
Trường hợp nào nên sàng lọc trước sinh?
Nguy cơ với nam giới trưởng thành khi tinh hoàn ẩn
Đánh giá