27 October, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Có nhiều nhóm thuốc điều trị THA khác nhau, cơ chế tác dụng cũng khác nhau và hầu hết thuốc làm giảm huyết áp, dù ít, dù nhiều đều gây tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ).
Nhóm thuốc lợi tiểu (thiazide, furusemid...) giúp thận đào thải bớt lượng nước dư thừa và muối (natri) ra khỏi cơ thể bạn. Từ đó giúp giảm lưu lượng máu đi qua lòng mạch và làm hạ huyết áp. Tác dụng phụ của nhóm này là làm hạ kali máu (do bị thải trừ qua nước tiểu), gây hiện tượng chuột rút ở bắp chân, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, tăng đường trong máu, tăng acid uric máu.
Nhóm thuốc chẹn beta thường có đuôi “olol” như acebutolol, atenolol, propranolol... Nhóm này giúp làm giảm nhịp tim và sức co bóp của tim. Do đó, tim sẽ bơm ra một lượng máu ít hơn vào động mạch sau mỗi nhịp đập và làm giảm huyết áp. Nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong những trường hợp tăng huyết áp ở bệnh nhân có nhịp tim nhanh lúc nghỉ, cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim gần đây. Tuy vậy, thuốc cũng có nhiều tác dụng không mong muốn như gây mất ngủ, mệt mỏi, lạnh đầu chi, trầm cảm, che lấp triệu chứng hạ đường huyết và làm tăng nặng tình trạng co thắt phế quản, nhất là người bị hen suyễn. Vì vậy, không dùng nhóm thuốc này cho bệnh nhân THA kèm đái tháo đường, hen suyễn.
Các tổn thương có thể xảy ra do tăng huyết áp.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển (ƯCMC): như captopril, enalapril (renitec), zestril, coversyl... Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế sản xuất angiotensin II - một loại hormon có tác dụng làm co mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp. ƯCMC có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp, nhất là khi một số loại thuốc điều trị THA không hiệu quả. Đồng thời, nó còn có tác dụng ngăn ngừa suy tim do THA. Nhược điểm lớn nhất ở nhóm này là gây ho khan dai dẳng, giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân, đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, trầm cảm, liệt dương (enalapril). Một số tác dụng phụ khác hiếm gặp là nổi mề đay, tổn thương thận. Nhóm thuốc này được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ có thai hoặc dự kiến mang thai trong thời gian sử dụng thuốc.
Nhóm chẹn kênh canxi gồm adalat, nifedipine, amlodipine... Nhóm thuốc chẹn kênh canxi gây giãn mạch, làm giảm áp lực máu và giúp hạ huyết áp, dùng tốt cho người bệnh có kèm đau thắt ngực và không làm ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể. Thuốc ức chế canxi có loại tác dụng ngắn và loại có tác dụng dài. Tác dụng phụ chủ yếu của nhóm thuốc này là mệt mỏi, buồn nôn, táo bón, phù và chậm nhịp tim. Chỉ nên sử dụng chế phẩm tác dụng kéo dài, không nên sử dụng các chế phẩm tác dụng ngắn, đặc biệt là dạng ngậm dưới lưỡi (adalat) vì không an toàn (gia tăng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong).
Ngoài ra, còn một số nhóm thuốc làm giảm huyết áp như clonidine (catapress) là thuốc hạ áp trung ương hoặc minoxidil là thuốc có hiệu quả giảm áp nhất bằng cách gây giãn mạch ngoại biên hoặc thuốc ức chế thụ thể alpha-2 (sử dụng được cho phụ nữ có thai). Nhóm thuốc ức chế thụ thể alpha-2 là lựa chọn đầu tay cho điều trị tăng huyết áp trong quá trình mang thai, bởi chúng có ít rủi ro cho người mẹ và thai nhi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Thuốc điều trị THA có nhiều nhóm, cơ chế tác dụng không giống nhau và nhiều tác dụng phụ, vì vậy, người bệnh cần có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để sử dụng. Bên cạnh dùng thuốc cần kiểm tra huyết áp hàng ngày, nhất là mới dùng thuốc lần đầu, nếu thấy thuốc không có hiệu nghiệm hoặc hiệu nghiệm ít (không làm giảm huyết áp hoặc giảm ít), tác dụng phụ cần tái khám ngay để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp với từng người bệnh. Thuốc điều trị bệnh THA có thể tốt với người này nhưng không tốt với người kia hoặc tác dụng phụ cũng vậy, có thể xảy ra ở người này, nhưng người kia thì không...
BS. Bùi Mai Hương
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bổ sung sắt ở thai phụ: Cần lưu ý gì để đạt hiệu quả?
Vai trò của axit folic với phụ nữ mang thai
Huyết trắng sinh lý và bệnh lý
Những điều nên biết trước khi dùng thuốc
6 Thói quen của người khỏe mạnh
Đánh giá