30 July, 2018 0 nhận xét Nhận xét
“Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”- câu nói ấy đã nói lên sức mạnh thể lực của lứa tuổi mười tám đôi mươi. Thế nhưng bệnh tật chẳng chừa ai, teen cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh tâm thần kinh
Stress: Không chỉ người lớn gặp áp lực công việc mà các teen cũng dễ gặp các strees. Hội chứng stress ở tuổi teen dễ xuất hiện khi gặp khó khăn trong học tập, thi cử, bị điểm kém, bị áp lực từ phía cha mẹ, có mâu thuẫn sâu sắc với bạn bè, rắc rối trong tình yêu. Nếu hội tụ thêm các yếu tố gia đình như: bạo lực, sự bỏ bê, cha mẹ bất hòa hay ly dị... càng khiến teen dễ gặp strees. Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, stress sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Lại thêm bản lĩnh sống của các em còn non và hay a dua với bạn bè nên các trường hợp stress nặng dễ có hành vi tự tử. Vì vậy, các em rất cần sự chia sẻ, thông cảm và tôn trọng từ phía người lớn.
Lứa tuổi teen khi gặp khó khăn rất dễ bị stress, vì vậy cần sự chia sẻ thông cảm từ phía người lớn.
Rối loạn tâm lý: Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Vì thế, các em thường dễ bị tác động bởi chuyện học hành, bài vở, nhất là khi bước vào mùa thi. Hơn nữa, việc ăn uống và sinh hoạt thất thường ở lứa tuổi này khiến cho sức khỏe suy giảm, tinh thần mệt mỏi, lo âu, tâm lý bất ổn... Các biểu hiện dễ thấy nhất của rối loạn tâm lý là biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, lo âu, học tập giảm sút... Nặng hơn, các em nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, dễ hoảng sợ, ngại tiếp xúc với người khác..., thậm chí còn có ý định tự tử.
Rối loạn hành vi: Đánh nhau, chống lại người thi hành công vụ, nói bậy, ăn cắp, đua xe,... là các biểu hiện đa dạng của rối loạn hành vi, xuất hiện lặp đi lặp lại và kéo dài ít nhất 6 tháng. Những rối loạn hành vi nhẹ thường thuyên giảm theo thời gian. Tuy nhiên, những rối loạn nặng thường có khuynh hướng trở thành mạn tính. Các em rất khó thích ứng với xã hội dẫn đến hành vi chống đối, phạm pháp. Việc điều trị rối loạn hành vi đòi hỏi phải kiên trì, kéo dài, có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường, bác sĩ tâm thần và xã hội.
Mụn trứng cá: là một bệnh ngoài da thường gặp ở tuổi dậy thì (tỷ lệ mắc trên 80%). Mặc dù mụn trứng cá không gây hại nhiều đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và tâm lý giới trẻ. Với bạn bị nhiều trứng cá dễ có cảm giác tự ti trong giao tiếp, cáu bẳn, xa lánh bạn bè và nơi đông người, thậm chí có thể bị trầm cảm. Đối với mụn trứng cá nặng, nếu như không biết chăm sóc và điều trị đúng cách có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Tuy nhiên, bệnh sẽ giảm dần khi đến tuổi 25.
Lang ben: là một bệnh ngoài da do vi nấm Pityrosporum orbiculaire gây ra, hay gặp ở lứa tuổi dậy thì nên còn gọi là lang lớn. Vị trí tổn thương hay gặp ở nửa người phần trên (mặt, cổ, ngực, lưng), hiếm gặp ở đùi và cẳng chân. Nơi da bị nhiễm nấm thường có những vết loang lổ màu trắng nhạt, có khi gần giống như bột phấn hoặc có màu hơi hồng, thường liên kết thành đám vằn vèo, trên mặt da có vảy cám xuất hiện. Khi ra nắng hoặc khi có mồ hôi thì ngứa ngáy râm ran, khó chịu như kim châm. Bệnh thường tiến triển âm thầm và dai dẳng, dễ tái phát nhiều lần. Thời gian bị bệnh càng lâu thì càng khó chữa. Lang ben rất dễ lây. Ngoài lây lan từ vùng da này sang vùng da khác, bệnh này cũng dễ lây truyền sang người khác. Do đó, không nên dùng chung quần áo, khăn tắm, chăn màn với người bị lang ben, cũng nên hạn chế đi bơi ở bể bơi công cộng vì nơi đây có vi khuẩn của người bị nấm.
Bệnh nấm hắc lào: có biểu hiện là các đám tổn thương lúc đầu hơi đỏ, ranh giới rõ rệt, có bờ viền, trên bờ viền có những mụn nước nhỏ, xu hướng lành ở giữa, dần dần lan rộng thành đám có nhiều vòng cung. Do gãi nhiều, chà xát, bôi thuốc linh tinh, tổn thương có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát (trợt, rớm mủ, đóng vảy tiết, sưng tấy...) hoặc bị viêm da thứ phát. Bệnh có thể dai dẳng kéo dài hằng năm, gây ngứa nhiều. Cần khám và điều trị ở chuyên khoa da liễu.
Những bệnh thường gặp khác
Đau đầu: Những cơn đau đầu của lứa tuổi vị thành niên thường do sự thay đổi đột ngột những hoạt động của các neuron thần kinh trong não hoặc sự thay đổi áp suất trong các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp máu lên não. Một số em gái cảm thấy đau đầu trong thời gian hành kinh hoặc có cảm giác choáng váng khi đứng dậy... Những dấu hiệu này chỉ là sự phát triển bình thường của sinh lý lứa tuổi. Tuy nhiên, không loại trừ việc đau đầu là dấu hiệu của những thương tổn nghiêm trọng trong não như u não, áp lực trong não tăng cao, viêm màng não, viêm não... bởi đó là những căn bệnh có thể gặp ở tuổi dậy thì. Nếu thường xuyên đau đầu mà không liên quan tới chu kỳ kinh thì nên đi khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân.
Thiếu máu nhược sắc: Có khoảng 20 - 25% em gái vị thành niên thường bị chứng xanh xao (thiếu máu nhược sắc), trong y học gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Nguyên nhân là do trong vài năm đầu chu kỳ kinh, hầu hết em gái có chu kỳ kinh không ổn định, ngày có kinh kéo dài hơn một tuần làm cho bé gái mất nhiều máu hơn và lượng sắt của cơ thể cũng giảm sút. Hơn nữa, ở lứa tuổi học sinh, tỷ lệ rất cao các em bị nhiễm giun đũa, giun móc. Giun lấy các chất dinh dưỡng, gây tổn thương niêm mạc ruột, làm mất máu, việc hấp thu sắt giảm sút. Cần định kỳ tẩy giun, ăn chín uống sôi; uống viên sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm khớp tự phát thiếu niên: được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi, là một trong những nhóm bệnh hay gặp nhất. Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng, có diễn biến phức tạp, khó nhận biết và khó tiên lượng bệnh. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virut, chlamydia mycoplasma, streptococus, salmonella, shigella... Khi phát hiện bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp.
BS. Thanh Bình
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Khắc phục 3 trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì
Câu hỏi thường gặp về Chlamydia
Tác hại của phụ gia thực phẩm đối với sức khỏe trẻ em
Hậu sản: Mẹ không thể chủ quan
Đánh giá