Trẻ thiếu chất gì khiến “máu xấu”, tuần hoàn máu kém?
Mẹ chăm kỹ từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng con vẫn cứ xanh xao, nhợt nhạt, kém hoạt bát hơn bạn đồng trang lứa. Điều này luôn làm mẹ trăn trở, do con chậm phát triển hay do mẹ chưa khéo?
Nhưng các bà mẹ ơi, đừng vội trách con ham chơi nên mệt nhanh, học hành kém tập trung. Thực tế, con có thể đang đối diện với bệnh thiếu máu dinh dưỡng.
Cơ thể con người cần sắt để sản xuất hemoglobin, sắc tố đỏ mang oxy trong máu. Nếu em bé của bạn không nhận được đủ chất sắt, bé sẽ có ít tế bào hồng cầu - và các tế bào này có thể sẽ nhỏ hơn, vì vậy các mô cơ thể của bé sẽ nhận được ít oxy hơn chúng cần. (Ảnh minh họa)
Cơ thể của trẻ cần chất dinh dưỡng như protein, các acid amin, vitamin B12, acid folic, các vitamin khác như C, B6, B2, các muối khoáng như sắt, đồng, kẽm, coban, molibden để cấu tạo chức năng, sản xuất hồng cầu.
Tuy nhiên, khi thiếu đi một hoặc nhiều “mắt xích” này như vitamin B12, acid folic hoặc thường gặp nhất ở trẻ em nước ta là thiếu sắt sẽ khiến quá trình tạo máu này không diễn ra suôn sẻ, lâu dần dẫn đến thiếu máu.
Trong đó, khẩu phần ăn “nghèo” chất sắt và tình trạng nhiễm giun móc cao ở nhiều vùng, hoặc do trẻ gặp các bất thường đường tiêu hóa làm thay đổi sự hấp thu sắt, là những nguyên nhân quan trọng của thiếu máu dinh dưỡng ở nước ta.
Ngoài ra, các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao nhưng cung không đủ cầu cũng dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.
Biếng ăn, chậm chạp, học kém do thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên hậu quả để lại rất trầm trọng, làm cho trẻ kém phát triển thể chất cũng như về trí tuệ. Nhẹ thì trẻ chậm chạp mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ, ít đùa nghịch, nặng hơn nữa trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm phát triển tâm thần vận động, giảm trí nhớ dẫn đến kết quả học tập thường kém.
Thiếu sắt khiến trẻ biếng ăn, lười ăn, kém hấp thu chất dinh dưỡng (ảnh minh họa)
Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan khác: Hệ tiêu hóa: trẻ biếng ăn, viêm teo gai lưỡi, khó nuốt, kém hấp thu, độ toan dạ dày giảm; Hệ thần kinh: mệt mỏi, kích thích, rối loạn dẫn truyền thần kinh. Sắt tham gia vào việc tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, nên thiếu sắt trẻ hay bị ốm đau do hệ thống miễn dịch suy giảm.
Tuy nhiên các ông bố bà mẹ còn ít quan tâm đến vấn đề này vì biểu hiện bệnh nghèo nàn, lặng lẽ, đôi khi chỉ phát hiện khi đến khám một bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy cấp… Mỗi trẻ sẽ có các dấu hiệu khác nhau.
Khi con có những biểu hiện như: da nhợt nhạt, xanh xao (rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt); hay cáu gắt; thiếu năng lượng, hay mệt mỏi; tăng nhịp tim… thì các bậc phụ huynh cần đưa đến gặp bác sĩ để được khám và xử lý kịp thời.
Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt. Định lượng huyết sắc tố (Hb)< 11gHb/100ml máu, Chỉ số ferritin giảm < 30 ng/mL trẻ có dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Ngủ thế nào để tốt cho sức khỏe?
10 nguy cơ sức khỏe khi uống nhiều rượu
Vitamin D giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19
Đánh giá