11 October, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Có người nghĩ đó là việc bình thường và dễ dàng dùng quát mắng, thậm chí roi vọt như một sự trừng phạt đối với trẻ. Tuy nhiên, chúng ta đã biết đến những hệ lụy của việc quát mắng con trẻ chưa? Liệu có cách nào khác để kỷ luật, răn đe con trẻ mà không cần quát mắng?
Sử dụng những từ ngữ gay gắt, hoặc la mắng một đứa trẻ được coi là một hình thức bạo lực tinh thần. Các chuyên gia tin rằng các tác động tâm lý của việc bị quát mắng cũng tồi tệ và đôi khi còn tồi tệ hơn cả bạo lực thể chất. Do đó, các bậc phụ huynh nên nhận thức được tác động tâm lý của việc quát mắng đối với con trẻ.
Bạo lực tinh thần (hay lạm dụng tâm lý) là kiểu hành vi trong đó một người cố tình và liên tục khiến người khác phải đối mặt với hậu quả về hành vi, tình cảm và sức khỏe tinh thần nói chung. Có nhiều hình thức bạo lực tinh thần bao gồm bạo lực bằng lời nói, hăm dọa và khủng bố, sỉ nhục và hạ thấp; khai thác; quấy rối; chối bỏ tình cảm; sự cô lập và kiểm soát quá mức.
Thực ra, ở ngưỡng nào đó, một chút quát mắng có thể là một công cụ có lợi trong các hình thức kỷ luật của cha mẹ. Tuy nhiên, việc quát mắng quá mức sẽ gây bất lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
Quát mắng gây ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ.
Lầm tưởng và hệ lụy của quát mắng
Đừng nghĩ rằng con trẻ khi bị mắng sẽ khác với người lớn. Một đứa trẻ bị mắng cũng trải qua cảm giác nhục nhã, sợ hãi, mặc cảm, xấu hổ, lo lắng và căng thẳng. Tất cả những điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, chậm phát triển, vấn đề hành vi, học tập, tình cảm và khó khăn cho hình thành các mối quan hệ xã hội của đứa trẻ.
Việc quát mắng con trẻ ở nơi công cộng sẽ khiến trẻ phải lắng nghe người lớn nhưng thực chất nó làm trẻ trở nên bướng bỉnh.
Chúng ta nghĩ việc quát mắng khiến trẻ nói ra sự thật nhưng thực chất nó khiến trẻ tìm cách che giấu sự thật.
Việc quát mắng không khiến trẻ thay đổi hành vi, nó làm trẻ trở nên sợ hãi hoặc hung hăng.
Quát mắng không phải là cách thức làm trẻ lắng nghe mà nó khiến trẻ nảy sinh hành vi bạo lực.
Vậy hình thức kỷ luật tích cực là gì?
Thực ra, không có phương pháp hình thức kỷ luật tích cực duy nhất cho mọi tình huống. Vì vậy, chúng ta cần có nhận thức và đánh giá thường xuyên về cách ứng xử với con cái.
Cần hiểu nhu cầu của trẻ: Các nhà khoa học đã chứng minh việc cung cấp một môi trường cho phép trẻ tự do thỏa mãn nhu cầu thể chất và tình cảm đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Khi trẻ chập chững tập đi, chúng thích khám phá, ném đồ đạc, cảm nhận về chiều cao, cân nặng, kết cấu của sự vật xung quanh. Cha mẹ có thể nổi cáu và mắng trẻ khi thấy con viết nguệch ngoạc hay bôi bẩn lên tường. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu nhu cầu của trẻ đang muốn khám phá và thể hiện bản thân, chúng ta có thể đưa cho trẻ bảng đen, tờ giấy hay thậm chí chúng ta có thể dán giấy lên tường để những đứa trẻ “nghệ sĩ” thoải mái hoạt động.
Xác định vấn đề rõ ràng và tuyên bố hành vi mong đợi: Thay vì cằn nhằn, đổ lỗi, quát tháo trẻ, chúng ta hãy bình tĩnh nói với trẻ một cách rõ ràng vấn đề đang diễn ra và nói với trẻ mong đợi của chúng ta. Giả sử trong tình huống con bạn thích chơi trò ghép hình. Tuy nhiên, sau khi chơi xong, chúng chạy đi chơi trò khác và không dọn dẹp những mảnh ghép đang vứt lung tung trên sàn. Đừng vội quát mắng con. Chúng ta hãy nói rõ ràng với trẻ: “Mẹ thấy có những mảnh ghép trên sàn nhà. Căn phòng nên được dọn sạch để tất cả chúng ta có thể tự do đi lại mà không bị vấp ngã con ạ”.
Thiết lập các quy tắc để ngăn ngừa sự tái diễn: Hãy thiết lập các quy tắc để cung cấp cho trẻ các chuẩn mực hành vi. Trẻ em dễ dàng tiếp nhận các quy tắc chung khi tất cả mọi người cùng thực hiện. Chúng ta có thể cởi mở để thảo luận về các quy tắc với trẻ em và thay đổi những quy tắc này nếu cần thiết. Việc trẻ được tham gia vào việc đưa ra các quy tắc trong nhà khiến chúng tuân thủ chúng một cách tự nguyện và bền vững hơn.
Xây dựng tinh thần trách nhiệm cho trẻ: Cha mẹ có thể trao cho trẻ được quyền lựa chọn ngay từ khi còn nhỏ. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức, cân nhắc, đánh giá và đưa ra lựa chọn cho bản thân khi lớn lên. Ngoài ra, điều này giúp trẻ phát triển thái độ lành mạnh đối với lỗi lầm. Một đứa trẻ có thể chấp nhận sai lầm của mình và sửa đổi sẽ hình thành một đứa trẻ trung thực.
Lời khuyên và lưu ý dành cho cha mẹ
Suy nghĩ tích cực với mọi vấn đề. Nói chuyện với con cái một cách yêu thương. Không bao giờ la mắng con vào giờ ăn. Tránh la mắng khi con đi ngủ. Tránh sử dụng những từ khó nghe. Nên nhìn nhận những mặt tích cực của con. Không bao giờ hạ thấp con trước mặt người khác. Đưa con đến trường với một tâm trạng bình yên. Đón con từ trường với một tâm trí hạnh phúc. Khi trách mắng con, hãy đưa ra những lý do và giải thích phù hợp với độ tuổi và sự hiểu biết của con. Tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên con cái. Nếu cha mẹ nào hạn chế trong việc kiểm soát cảm xúc, chúng ta cần nhận trợ giúp từ các chuyên gia và quản lý cơn giận một cách hiệu quả và tích cực.
ThS. tâm lý Nguyễn Như Phương
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bà bầu đề phòng biến chứng do thủy đậu
Lạm dụng testosteron: Nguy hiểm!
Đánh giá