10 March, 2022 0 nhận xét Nhận xét
Thời điểm giao mùa hay khi thời tiết thay đổi đột ngột chính là lúc trẻ dễ mắc viêm mũi họng nhất, trong đó có trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị viêm mũi họng nếu không được phát hiện, chăm sóc và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
1. Trẻ sơ sinh dễ bị viêm mũi họng
Trẻ sơ sinh với sức đề kháng còn non yếu, nếu không được chăm sóc tốt sẽ dễ mắc bệnh viêm mũi họng.
Hiện nay thời tiết nồm, lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ, trong đó có viêm mũi họng.
Mũi họng là cơ quan đầu tiên của đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí, hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Ban đầu là cảm lạnh, sau đó có thể là viêm mũi họng, viêm họng… nếu không được điều trị chăm sóc đúng sẽ dẫn đến các hệ lụy như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi…
2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm mũi họng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây viêm mũi họng ở trẻ sơ sinh, trong đó có virus, vi khuẩn, thường gặp nhất là virus Rhino, Corona, Adeno,virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV và liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae, một số loại nấm…
Các yếu tố thuận lợi cũng là một trong các nguyên nhân, trong đó phải kể đến thời tiết. Bệnh viêm mũi họng thường xuất hiện theo mùa, khi thời tiết lạnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa đông - xuân.
Tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, dưới 1 tuổi, đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh. Trẻ sinh non, trẻ có có suy giảm miễn dịch như: Mắc bệnh HIV… rất dễ bị viêm mũi họng.
Đối với một số trẻ sống trong môi trường chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), vệ sinh kém… đều dễ bị viêm mũi họng.
3. Dấu hiệu viêm mũi họng ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ sơ sinh bị viêm mũi họng thường sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè… Những triệu chứng này khiến trẻ cảm thấy khó chịu, hay quấy khóc, trẻ có thể bú giảm.
Trẻ sơ sinh bị viêm họng cấp nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Những trường hợp nhiễm khuẩn như vậy cần được bác sĩ thăm khám và đánh giá. Chính vì vậy, nếu thấy trẻ sơ sinh mệt, quấy khóc nhiều, lười bú… cha mẹ cần đưa đi khám ngay.
Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài trên 5 ngày, ho dai dẳng, đờm nhiều…Trẻ khó thở, thở khò khè có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, bú kém hoặc không bú… cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.
4. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm mũi họng
Đối với trẻ có dấu hiệu chảy nước mũi, ngạt mũi cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm, khô (tốt nhất dùng khăn giấy mềm) để không gây kích thích nhiều ở mũi, dẫn đến đau mũi, đỏ mũi do lau quá nhiều lần.
Dùng nước muối 9‰ nhỏ vào từng bên mũi cho trẻ để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, dùng tăm bông sạch, khô ngoáy mũi lại. Làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoặc bú nếu dịch nhiều, quánh, dính để tránh nôn.
Tuyệt đối không dùng miệng hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn dễ lây cho trẻ.
Tránh lạm dụng nước muối quá nhiều để hút mũi, vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ.
Không được nghe mách bảo nhỏ bất kỳ thuốc gì vào mũi trẻ, tránh nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Nếu trẻ sốt cần đo nhiệt độ, nếu trẻ sốt từ 37,5 đến dưới 38,5 độ C cần cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc áo quần mỏng, không bó sát.
Quan trọng cho trẻ bú nhiều hơn, tích cực bú sữa mẹ và kiểm tra nhiệt độ cho trẻ thường xuyên (30 phút - 1 giờ/lần)
Chú ý: Trong quá trình chăm sóc trẻ nếu trẻ có một trong các triệu chứng như bỏ bú, bệnh nặng hơn, trẻ khó thở, thở nhanh hơn (trên 50 lần/1 phút), rút lõm lồng ngực… là những biểu hiện của viêm phổi, một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên;
Trẻ sốt cao liên tục 3 - 5 ngày… cần báo cho bác sĩ hoặc cho trẻ đến cơ sở y tế để khám ngay.
5. Cần làm gì để phòng viêm mũi họng ở trẻ sơ sinh
- Đối với viêm mũi họng biện pháp dự phòng được đặt lên hàng đầu, vì đây là một bệnh dễ lây, nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho mũi họng cũng như đường hô hấp (bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc…).
- Cần vệ sinh vú mẹ, mỗi lần cho trẻ bú cần vệ sinh sạch sẽ.
- Tránh để trẻ mặc ấm quá, tắm lâu hoặc mặc đồ mỏng khi thời tiết lạnh...
- Ngoài ra, cần vệ sinh phòng ngủ đảm bảo môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người.
BS. Kim Thu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nguyên tắc "vàng" giúp bạn duy trì sức khỏe
Mắc COVID-19 có gây yếu sinh lý ở nam giới?
Thủ dâm có lợi và hại thế nào với nồng độ testosterone?
Sau mắc COVID-19, phụ nữ nên đợi bao lâu để mang thai là tốt nhất?
Đánh giá