21 September, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Siêu âm là phương pháp phổ biến để theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Siêu âm vào những thời điểm nào của thai kỳ để không bỏ lỡ những thông tin quan trọng về sự phát triển của thai nhi là điều các mẹ bầu nên biết.
Có rất nhiều thời điểm siêu âm thai trong thai kỳ. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sử dụng đầu dò siêu âm đặt lên bụng các thai phụ, truyền các sóng âm với tần số thấp qua tử cung để ghi lại các hình ảnh của thai nhi mà không gây ảnh hưởng tới thai. Sau đó, tín hiệu ảnh của thai nhi sẽ được phát ra màn hình của máy siêu âm. Kết quả siêu âm không chính xác tuyệt đối nhưng có ưu điểm là không xâm lấn, không đau và an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Lợi ích của siêu âm thai
1. Siêu âm thai giúp bác sĩ xác nhận thai phụ đã mang thai chưa và thai đã vào tử cung chưa? Phát hiện sớm những bất thường như chửa ngoài tử cung…
2. Siêu âm giúp xác định tuổi thai, số lượng thai có trong tử cung, lượng nước ối… Từ đó xác định ngày dự sinh và theo dõi các mốc quan trọng khác nhau trong suốt thai kỳ.
3. Siêu âm giúp đánh giá sự tăng trưởng và tầm soát những dị tật bẩm sinh (nếu có) của thai nhi, theo dõi chuyển động, nhịp thở và nhịp tim của bé.
4. Nếu thai phụ bị ra máu hay có những biến chứng khác, siêu âm là một trong số những phương pháp có thể giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây ra những hiện tượng này.
5. Siêu âm giúp xác định vị trí của thai nhi trước khi sinh, xác định ngôi thai thuận hay ngược… Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt và giúp đảm bảo an toàn trong quá trình sinh nở.
Siêu âm ít tốn kém hơn những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nên thường được cân nhắc sử dụng phổ biến.
Các phương pháp siêu âm thai
Siêu âm thai có thể được thực hiện qua đường âm đạo (qua ngả âm đạo) hoặc qua ổ bụng (qua đường bụng), tùy thuộc vào lý do thực hiện hoặc giai đoạn mang thai của thai phụ.
Siêu âm qua ổ bụng
Trong quá trình siêu âm thai qua ổ bụng, kỹ thuật viên sẽ bôi gel lên vùng bụng của thai phụ. Điều này sẽ cải thiện sự dẫn truyền của sóng âm thanh và loại bỏ không khí giữa da của thai phụ và đầu dò. Đầu dò được di chuyển qua lại trên vùng bụng của thai phụ. Các sóng âm thanh phản xạ từ xương và các mô khác của bạn sẽ được chuyển đổi thành hình ảnh trên màn hình.
Nếu thực hiện siêu âm qua ổ bụng, hãy cân nhắc mặc quần áo rộng rãi để có thể dễ dàng để lộ vùng bụng của mình.
Siêu âm qua ngả âm đạo
Trong một số trường hợp, siêu âm qua ổ bụng không thể tạo ra hình ảnh đủ rõ ràng. Vì có thể có quá nhiều không khí trong ruột và không khí là chất dẫn sóng âm thanh kém. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm đầu dò. Thường thì thai phụ sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm qua đường âm đạo (siêu âm đầu dò) chỉ một lần trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định siêu âm đầu dò nếu sức khỏe của thai nhi có vấn đề nào đó trong quá trình mang thai.
Khi thực hiện siêu âm qua đường âm đạo, thai phụ sẽ nằm yên trên bàn và kỹ thuật viên sẽ chèn một đầu dò nhỏ đã được bôi trơn và di chuyển nó vào âm đạo.
Siêu âm đầu dò không gây đau, tuy nhiên có thể gây ra cảm giác không thoải mái và hơi khó chịu. Kỹ thuật viên sẽ xem hình ảnh thu lại được trên màn hình và điều chỉnh đầu dò. Kỹ thuật này sẽ mất khoảng từ 30-60 phút để thực hiện. Siêu âm qua đường âm đạo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Những thời điểm siêu âm thai trong thai kỳ
Thông thường trong mỗi lần mang thai,nếu là một thai kỳ ổn định, không có những dấu hiệu bất thường, thai phụ cần siêu âm 3 lần vào các mốc sau: 11-14 tuần, 18-22 tuần và 30 - 32 tuần.
1. Thời điểm 11-14 tuần (tam cá nguyệt đầu tiên):
Thời điểm này thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy. Kiểm tra siêu âm được thực hiện để đánh giá sự hiện diện, kích thước và vị trí của thai, xác định số lượng thai và ước tính bạn đã mang thai được bao lâu (tuổi thai). Siêu âm cũng có thể được sử dụng để sàng lọc di truyền trong tam cá nguyệt đầu tiên cũng như sàng lọc các bất thường của tử cung hoặc cổ tử cung của thai phụ.
Theo đó, siêu âm giúp đo độ mờ da gáy để sàng lọc nguy cơ mắc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward, chẩn đoán số lượng thai, số lượng bánh rau và buồng ối đối với sản phụ mang đa thai, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
2. Thời điểm 18-22 tuần (tam cá nguyệt thứ hai):
Đây là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể thai như cột sống, tay chân, não và các cơ quan nội tạng như tim, phổi, dạ dày… Kích thước và vị trí của nhau thai cũng được kiểm tra.
3. Thời điểm 30 - 32 tuần (tam cá nguyệt thứ ba):
Siêu âm thời điểm này giúp đánh giá sự phát triển thai và phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như nhẵn não, tắc ruột… Vị trí của nhau thai được kiểm tra để đảm bảo rằng nó không chặn cổ tử cung.
Siêu âm an toàn, không đau và không xâm lấn, vì vậy không cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa đặc biệt nào sau đó. Sau siêu âm, thai phụ hoàn toàn có thể quay trở lại ngay với công việc thường ngày của mình.
BS. Vũ Thanh Hồng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
6 bí quyết và 3 bài tập duy trì não bộ khỏe mạnh
Viêm phổi COVID-19, triệu chứng và những điều cần biết
Ăn gì để cải thiện tình trạng chóng mặt, nhức đầu do rối loạn tiền đình?
Đánh giá