16 May, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 2 năm 2017-2018, tỷ lệ sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên tại bệnh viện này vẫn ở mức cao (chiếm 0,5% số ca đẻ tại BV). Cụ thể, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đến sinh đẻ., thai nghén tuổi vị thành niên cũng để lại nhiều nguy cơ cho sản phụ và thai nhi.
Kết quả nghiên cứu này được đưa ra tại hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
BS Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin, trong 2 năm 2017-2018, tổng số sản phụ sinh đẻ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương là 44.086 ca. Trong đó, tỷ lệ vị thành niên đẻ trong cả 2 năm khoảng 0,5%, tỷ lệ này có giảm so với thời gian từ 2011 -2013 (từ 1,3-1,9%) tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Ảnh minh họa
Trong 227 sản phụ ở độ tuổi vị thành niên, có 178 trường hợp đã lập gia đình; số sản phụ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (83,5%); số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 trường hợp, trong đó có 4 cháu bé mới 10-13 tuổi. Cũng trong hơn 200 sản phụ này, có tới 91 người đến từ Hà Nội. Số “bà mẹ” là học sinh, sinh viên có 27 người.
Mang thai ở tuổi vị thành niên, ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và con
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại những hậu quả cho các bà mẹ và con của họ. Tỷ lệ thai nghén nguy cơ cao, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục... ở tuổi này cao hơn những bà mẹ lớn tuổi hơn.
Ngoài ra, những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ đang ở tuổi vị thành niên có tỷ lệ chết trước 1 tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con các mẹ tuổi trưởng thành như tỷ lệ vị thành niên có thai nghén bất thường ở mức cao, khoảng 16,4% (năm 2018). Các bất thường gặp nhiều nhất là bất thường não, bất thường bụng, phù thai rau, đa dị tật…
Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng, có đến 2,6% trẻ sơ sinh từ mẹ vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện phụ sản Trung ương trong 2 năm gần đây, chỉ có trọng lượng dưới 500g, 8,5% trẻ sơ sinh có trọng lượng từ 500-1000g, 6,8% có trọng lượng từ 1000-1500g. Kết quả này cho thấy, thai nghén của mẹ ở tuổi vị thành niên có tỷ lệ sinh con non tháng và nhẹ cân rất nhiều.
Chia sẻ tại hội nghị, các chuyên gia về sản khoa cho biết, trong 2 năm qua, tỷ lệ trẻ sơ sinh từ mẹ tuổi vị thành niên bị tử vong chiếm tới 17,9%. Tỷ lệ này cho thấy nguy cơ của thai nghén tuổi vị thành niên đối với mẹ, đặc biệt là đối với thai nhi còn rất cao và đáng báo động trong toàn xã hội.
Theo nhóm nghiên cứu, đa số vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện Phụ sản Trung ương ở lứa tuổi 17-18, chiếm 82,4%; có 1,8% vị thành niên ở nhóm tuổi từ 10-13. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ vị thành niên sinh đẻ tại bệnh viện là học sinh sinh viên chiếm gần 12% và có khoảng 83,3% làm nghề tự do; 21,6% chưa lấy chồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2018, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức cao với 250.000 – 300.000 ca mỗi năm. Trong đó khoảng 20% số ca phá thai ở tuổi vị thành niên.
Vị thành niên là những đối tượng khi mang thai, sinh đẻ gặp nhiều khó khăn và áp lực, vì vậy có nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi. Tỷ lệ này không nhỏ, qua đó đòi hỏi sự quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi này ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của ngành y tế và toàn xã hội.
Theo chuyên gia sản phụ khoa, hoạt động tình dục ở lứa tuổi vị thành niên có 2 nguy cơ chính có thể xảy ra, đó là: các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho cả hai giới và có thai ngoài ý muốn cho các em gái.
Trong đó, bệnh lây truyền tình dục là các bệnh bị nhiễm do mầm bệnh đi từ người có bệnh sang người lành thông qua hoạt động tình dục. Quan hệ tình dục với người có bệnh nếu không được bảo vệ bằng bao cao su thì sẽ bị lây nhiễm căn bệnh đó.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp nhất hiện nay:
-Bệnh lậu với dấu hiệu chủ yếu là khí hư cùng đái dắt, đái buốt;
-Bệnh giang mai với triệu chứng chính là vết loét sinh dục;
-Bệnh mụn rộp sinh dục với các nốt bọng nước mọc tại đường sinh dục (nam và nữ) hoặc các bộ phận khác của cơ thể;
-Bệnh viêm gan virut B, C;
-Bệnh viêm âm đạo, niệu đạo do trùng roi với tình trạng ngứa, nhiều khí hư...
Hiện nay nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng với các bệnh do các loại vi khuẩn gây nên. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe sinh sản trong tương lai, các em cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Hải Yến
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Vì sao loãng xương sau khi sinh?
U xơ tử cung, khi nào cần điều trị?
Mẩn ngứa, mụn nhọt do gan suy giảm chức năng
Nấm Candida sinh dục - “Cứng đầu” nhưng không bất trị
Đánh giá