06 July, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là những bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục. Thông thường, các bệnh LTQĐTD ban đầu thường không có biểu hiện rõ ràng, vì thế, nhiều người không biết mình đã mắc bệnh nên không đi khám và điều trị sớm dẫn đến bệnh nặng hơn gây khó khăn cho việc điều trị và có thể làm lây bệnh cho đối phương. Quan trọng hơn là bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và nguy cơ bị vô sinh, trong số đó phải kể đến bệnh mụn rộp sinh dục.
Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục do virut Herpes Simplex gây ra, khả năng lây nhiễm qua đường tình dục cao. Các dấu hiệu khởi đầu của bệnh mụn rộp sinh dục là đau và ngứa, thường xảy ra sau 2-7 ngày sau khi nhiễm virut. Vài giờ đến vài ngày sau, vết loét bắt đầu xuất hiện. Vết loét đầu tiên chỉ là một chỗ sưng đỏ nhỏ, mềm, đau, rồi trở nên mọng nước trong vài ngày. Sau đó, chúng vỡ miệng ra trở thành vết loét, gây rỉ dịch hoặc chảy máu. Ở nữ, vết loét có thể xuất hiện ở vùng âm đạo, cơ quan sinh dục ngoài, mông, hậu môn hoặc bên trong cổ tử cung. Ở nam, vết loét có thể ở dương vật, bìu, mông, hậu môn, đùi, niệu đạo... Người bệnh phải chịu đựng những đau đớn và nhiều cảm giác khó chịu khác ở vùng sinh dục cho đến khi sạch virut. Trong giai đoạn bộc phát, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nhiễm virut thông thường giống bệnh cúm, gồm: sốt, nhức đầu và nổi hạch bẹn. Ở người trưởng thành, ngoài vết loét da, mụn rộp sinh dục không gây ra các biến chứng gì nặng nề khác. Khi mẹ mang thai bị mụn rộp sinh dục với các vết loét có thể lây cho con khi sinh đẻ qua đường âm đạo. Trường hợp này, mụn sinh dục có thể gây tổn thương não, mờ mắt hoặc tử vong cho trẻ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh
Bệnh mụn rộp có thể biểu hiện dưới dạng bùng phát từng đợt. Đợt đầu tiên thường kèm với các triệu chứng toàn thân (đau đầu, sốt). Sau đó, virut tồn tại lặng lẽ trong các hạch rồi từng đợt trở nên hoạt động. Tần suất các đợt phụ thuộc vào khả năng phòng ngự của hệ thống miễn dịch và các yếu tố phát động như bị mỏi mệt nặng, chế độ dinh dưỡng không cân đối, đang kỳ hành kinh, có vấn đề về stress, HIV dương tính... Bệnh rất dễ lây nhiễm trong đợt bùng phát: ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cho đến khi lành sẹo hoàn toàn các tổn thương.
Nguy cơ cho thai nghén
Cần phải báo cho thầy thuốc biết nếu như phụ nữ có thai đã từng bị bệnh mụn rộp sinh dục. Khi đó, cần được điều trị để tránh mọi nguy cơ nghiêm trọng cho thai và trẻ sơ sinh. Mụn rộp nguyên phát và mụn rộp cổ tử cung hay gây sẩy thai và đẻ non. Trong số những trẻ sinh ra có mẹ bị bệnh mụn rộp khi mang thai (nguy cơ bị nhiễm là 1/3 với mụn rộp nguyên phát, dưới 1/30 với mụn rộp tái phát) thì một nửa sẽ chết hoặc có tổn thương thần kinh.
Điều trị mụn rộp khi có thai như thế nào?
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh mụn rộp sinh dục. Tuy nhiên, để điều trị bệnh, có thể dùng thuốc ức chế virut như acyclovir, famciclorvir và valacyclovir nhằm giúp vết loét lành nhanh hơn và hạn chế tái phát. Mụn rộp sinh dục có thể điều trị để hạn chế các đợt bùng phát nhưng không thể làm hết hẳn virut vì virut sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời. Dù là bị nhiễm lần đầu hay tái phát thì dùng thuốc chống virut (acyclovir) theo đường toàn thân trong 10 ngày cũng có thể hạn chế được cường độ và thời gian kéo dài của đợt bùng phát. Với phụ nữ mang thai dùng acyclovir 400mg uống 3 lần mỗi ngày trong 5 ngày hoặc acyclovir 200mg uống 5 lần mỗi ngày trong 7 ngày. Tốt nhất nên mổ lấy thai. Trường hợp trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm, mụn rộp khi đẻ thì điều trị ngay cho trẻ bằng acyclovir 10mg/kg tiêm tĩnh mạch, 3 lần mỗi ngày, trong 21 ngày (do bác sĩ chỉ định và theo dõi).
Một số dấu hiệu cần đi khám?
Trước tiên, nếu bạn đã quan hệ tình dục với một người mà bạn không biết chắc là không có bệnh, hoặc sau khi có quan hệ tình dục không an toàn bạn nên nghi ngờ tới khả năng là mình mắc bệnh và cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị nếu được chẩn đoán đã mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần chú ý các triệu chứng cơ bản của một số bệnh LTQĐTD như sau: Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật; Hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường. Các tổn thương này có thể đau hoặc không đau; Tiểu đau, buốt hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường; Đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới chu kỳ kinh nguyệt; Đau khi giao hợp hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục...
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi thấy có một trong những biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, xét nghiệm chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị đúng. Không được tự ý dùng thuốc, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian, không bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng. Khi dùng hết thuốc, cần đi khám lại để được biết bệnh đã khỏi hay cần điều trị tiếp.
Điều nên chú ý trong phòng bệnh là bệnh có thể bị lây do những mụn nước ở gần vùng cơ quan sinh dục (khi quan hệ tình dục không mang bao cao su), do đó nên cố gắng tránh hoàn toàn quan hệ tình dục khi có đợt bùng phát và thường xuyên mang bao cao su để bảo vệ không bị lây bệnh qua đường tình dục.
BS. Nguyễn Kim Dung
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách đơn giản loại bỏ căng thẳng
Làm thế nào để giúp người bị bệnh trầm cảm?
Cảm giác cô đơn khiến trẻ tuổi teen dễ gặp vấn đề về giấc ngủ
Đánh giá