Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, TSGTKS tại Việt Nam năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái, trong khi mức tự nhiên là từ 102-106. Đại diện UNFPA cho rằng, đây là sự gia tăng đáng kể từ mức 107-108 trong giai đoạn 2000-2005 và 111-112 trong giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý là tỷ số này đã cao ở ngay lần sinh con đầu tiên và đến lần sinh thứ 3 thì đã lên đến 115,5-120.
Trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước thì có tới 4 vùng có tỷ số giới tính khi sinh ở thành thị cao hơn nông thôn. Mặc dù ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, tỷ số này thấp hơn ở khu vực thành thị, nhưng lại rất khác nhau giữa các tỉnh. Cá biệt tại 3 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ chênh lệch giữa trẻ trai và trẻ gái khi sinh đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2016.
Nhìn ra các nước trong khu vực, đặc biệt ở Thái Lan, Campuchia và Lào, TSGTKS rất gần con số 105 - đây là TSGTKS ở mức sinh học bình thường. Trong khi tâm lý ưa thích con trai đã có lịch sử lâu dài ở Việt Nam, việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính ngày càng gia tăng. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng TSGTKS (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa TSGTKS trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), nhưng nhiều người vẫn có thể dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi. Do vậy, thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới - được thực hiện thông qua siêu âm kết hợp với phá thai - vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ ràng vấn nạn này và đã xây dựng các cơ chế chính sách và pháp lý khác nhau để ứng phó. Pháp lệnh Dân số 2003 và Nghị định 104/2003/NĐ-CP nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi và lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013/ND-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình phạt cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác làm như vậy là vi phạm pháp luật. Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 nhằm đưa TSGTKS về mức sinh học, cân bằng vào năm 2025.
Hy vọng mỗi người dân đều tự ý thức được hậu quả lâu dài của mất cân bằng giới tính tới các vấn đề xã hội, để cùng hành động đưa TSGTKS ở nước ta về mức cân bằng.
Vân Anh (theo UNFPA)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Một số bài tập đơn giản giúp dạ dày khỏe
9 cách tối ưu hóa hệ thống miễn dịch khi đang thực hiện cách ly xã hội
Đánh giá