Hội chứng tiền kinh nguyệt tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không chú ý theo dõi, điều trị thì bệnh lý có thể diễn biến phức tạp, gây khó chịu về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng cảm xúc, cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình cũng như sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40 dễ có các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn ở những người từ 40 tuổi trở lên.
Nguyên nhân chính gây hội chứng tiền kinh nguyệt hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các yếu tố chính có thể góp phần gây ra tình trạng này là: Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trước kỳ kinh (estrogen, progesterone). Do những thay đổi về hóa chất trong não (serotonin). Không đủ lượng serotonin gây trầm cảm tiền kinh nguyệt, cùng với đó là triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi... Chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất; sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, chứa caffein cũng có thể là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. Vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm: di truyền (có người thân trong gia đình đã từng gặp hội chứng này). Những người có vấn đề về tâm thần như lo lắng, bất an, trầm cảm; ít tập thể dục.
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể dẫn đến một số rối loạn như: thay đổi khẩu vị, thèm ăn: căng tức vùng ngực; đau đầu; sưng phù tay hoặc chân và tăng cân; đau nhức toàn thân (đặc biệt vùng bụng và thắt lưng); trướng bụng; uể oải, mệt mỏi trước kỳ kinh; xuất hiện các vấn đề về da (mụn, trứng cá..); rối loạn tiêu hóa; đau bụng tiền kinh nguyệt; Thay đổi ham muốn tình dục...
Chị em cũng có thể gặp một số rối loạn về cảm xúc, hành vi như: phiền muộn; các cơn giận bộc phát, dễ cáu gắt, giận dữ; cảm thấy lo âu, bị xa lánh, nhạy cảm; dễ bị kích thích, dễ khóc; thiếu tập trung, hay quên; mất ngủ, chợp mắt giấc ngắn...
Đa phần các dấu hiệu trên thường kéo dài trong khoảng từ 1-2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt và sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc kỳ kinh.
Nếu cảm thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt làm cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc, bạn nên đến gặp và trao đổi thêm với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
BS. Đặng Lan
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Ung thư cổ tử cung có điều trị dứt điểm được không?
Chăm sóc đường tiêu hoá sau “kỳ nghỉ dài” giãn cách xã hội phòng chống COVID-19
Bổ sung vitamin A kéo dài có gây hại?
Dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt
Nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng để tập yoga tại nhà
Đôi tay khô ráp? Hãy chữa lành bằng những bí quyết từ các chuyên gia da liễu
Đánh giá