30 March, 2022 0 nhận xét Nhận xét
Nếu bạn nhận thấy mùi hôi từ âm đạo hoặc dịch tiết âm đạo, đó có thể là do mồ hôi, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc thậm chí là do di truyền. Nguyên nhân thường gặp nhất là do viêm âm đạo, nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm vùng kín.
Mùi âm đạo bất thường thỉnh thoảng xảy ra. Ngay cả khi một phụ nữ đang chăm sóc tốt cho cơ thể và vùng kín của mình vẫn có thể cảm thấy mùi lạ. Điều không bình thường là mùi tanh nồng và dai dẳng.
Mùi đặc trưng của âm đạo khỏe mạnh có thể được mô tả tốt nhất là "xạ hương" hoặc "mùi thơm". Chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra mùi hơi "kim loại" trong một vài ngày. Giao hợp có thể thay đổi mùi tạm thời.
Âm đạo tự làm sạch một cách tự nhiên, có thể duy trì độ pH lành mạnh và ngăn chặn vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Nhưng nếu nhận thấy sự khác biệt rõ rệt vùng kín có mùi, thì có thể đang gặp phải dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn.
1. Những nguyên nhân gây ra mùi hôi tanh
- Viêm âm đạo: Là tình trạng âm đạo bị viêm hoặc nhiễm trùng. Nó thường được gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng cũng có thể do nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục được gọi là nhiễm trùng roi trichomonas. Mùi hôi tanh là một triệu chứng phổ biến.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Là tình trạng mất cân bằng hoặc phát triển quá mức của vi khuẩn trong âm đạo. Nguyên nhân thường là do giao hợp dương vật - âm đạo với bạn tình mới.
Tuy nhiên, phụ nữ không hoạt động tình dục cũng có thể bị nhiễm khuẩn âm đạo. Thụt rửa hoặc những thay đổi nội tiết tố khác, chẳng hạn như mang thai và mãn kinh có thể dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn.
- Nhiễm trùng roi trichomonas: Là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do một loại ký sinh trùng lây lan qua đường tình dục có thể gây ra mùi hôi hoặc tanh.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Có thể gây ra nước tiểu hôi hoặc có mùi mạnh, cũng có thể nóng rát như bị bỏng, ngứa hoặc đau.
- Máu kinh nguyệt hoặc băng vệ sinh để lâu: Chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra các mùi khác nhau. Mùi tanh hoặc nồng hơn có thể do nhiễm trùng hoặc do không thay băng vệ sinh thường xuyên.
- Đổ mồ hôi: Đổ mồ hôi âm đạo do tập thể dục, nóng.
2. Chẩn đoán nguyên nhân khiến vùng kín có mùi
Nếu phụ nữ đang có các triệu chứng của viêm âm đạo hoặc lo lắng về mùi âm đạo, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa để được kiểm tra vùng chậu, bên trong âm đạo có bị viêm hoặc tiết dịch bất thường không.
Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu trong âm đạo để thử nghiệm, thực hiện kiểm tra dịch âm đạo để tìm độ pH tăng cao. Độ pH tăng cao có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Nhưng bác sĩ sẽ cần phải đánh giá các triệu chứng khác, cộng với việc xem xét tiền sử y tế và việc quan hệ tình dục để xác định chẩn đoán.
3. Điều trị mùi hôi âm đạo
Điều trị để ngăn chặn hoặc ngăn chặn mùi hôi tanh đó sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Bác sĩ có thể tiến hành khám phụ khoa và nếu cần sẽ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm. Nếu bạn xét nghiệm dương tính với nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê cho bạn một đơn thuốc kháng sinh.
Thuốc kháng sinh thường được kê đơn cho bệnh viêm âm đạo là thuốc viên metronidazole hoặc kem hoặc gel như clindamycin bôi vào âm đạo.
- Nhiễm trùng nấm men: Có thể sử dụng kem chống nấm không kê đơn (OTC) để điều trị nhiễm trùng nấm men. Bác sĩ cũng có thể kê cho bạn một loại thuốc chống nấm.
Mặc dù bạn có thể tự điều trị nhiễm trùng nấm men bằng các biện pháp OTC, nhưng hãy đến gặp bác sĩ nếu đây là lần đầu tiên bạn có những triệu chứng này hoặc khi các triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn hoặc các phương pháp điều trị này không hiệu quả.
- Nhiễm trùng tiết niệu: Nhiễm trùng tiểu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và các biện pháp khắc phục tại nhà. Hãy tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh, vì bạn cần phải hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị để thuốc có hiệu quả.
Thuốc kháng sinh không phải là lựa chọn điều trị duy nhất và bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác.
Phụ nữ cũng cần uống nhiều nước khi cơ thể phục hồi và tránh uống cà phê và nước ngọt cho đến khi hết nhiễm trùng. Chúng có thể gây kích ứng bàng quang khi bạn hồi phục.
- Bị kẹt băng vệ sinh (loại dùng tampon): Khi sử dụng băng vệ sinh tampon rất dễ bị mắc, tụt sâu vào trong âm đạo, phụ nữ không nên xấu hổ mà cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tháo băng vệ sinh bị kẹt. Nó có thể nguy hiểm cho sức khỏe của bạn nếu chúng không được loại bỏ.
4. Lời khuyên của bác sĩ
Mùi âm đạo có thể thay đổi trong suốt chu kỳ hàng tháng của phụ nữ. Đôi khi mồ hôi hoặc kỳ kinh có thể gây ra mùi tanh không phải là lý do đáng báo động. Tránh thụt rửa và rửa âm hộ bằng xà phòng và nước và lau khô.
Nếu bạn có các triệu chứng khác như ngứa, đỏ hoặc rát hoặc mùi không biến mất sau vài ngày, hãy đến gặp bác sĩ. Họ có thể kê đơn thuốc hoặc thuốc kháng sinh, nếu cần.
Nếu mùi hôi này kèm theo các triệu chứng bất thường, bạn không nên tự điều trị tại nhà mà nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Nếu mùi âm đạo nồng tanh hơn bình thường và có vẻ ngày càng nặng hơn cần đi khám ngay lập tức. Khí hư có mùi hôi là triệu chứng của bệnh viêm nhiễm vùng kín. Vì vậy, phụ nữ nên đi khám để được bác sĩ kên đơn thuốc điều trị.
Nhiễm trùng không được điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này.
Một số dịch âm đạo là bình thường. Nếu bạn nhận thấy sự gia tăng tiết dịch hoặc chất dịch không còn màu trắng hoặc trong mờ, bạn có thể bị nhiễm trùng.
Đôi khi bị ngứa cũng là điều bình thường, nhưng nếu bạn phát triển một cơn ngứa thường xuyên hoặc một cơn ngứa ngáy khó chịu, bạn có thể đang gặp phải các dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn.
5. Mẹo để ngăn ngừa mùi hôi tanh âm đạo
Khi đã loại bỏ được mùi âm đạo bất thường, có một số mẹo sau để ngăn ngừa mùi tanh âm đạo:
Xem xét chế phẩm sinh học: Probiotics, là vi khuẩn có lợi, có thể giúp duy trì sự cân bằng độ pH của âm đạo. Thực phẩm giàu probiotic bao gồm sữa chua, kombucha và dưa cải bắp chưa tiệt trùng.
Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh: Cố gắng ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Một chế độ ăn uống cân bằng tạo nên một cơ thể khỏe mạnh và bao gồm cả âm đạo.
Uống đủ nước: Uống nhiều nước không chỉ tốt cho làn da mà cón giúp ích cho sức khỏe tổng thể của âm đạo bằng cách khuyến khích tiết mồ hôi và chất lỏng lành mạnh.
Tránh thụt rửa và tẩy tế bào chết: Phụ nữ có thể nghĩ rằng chúng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn xấu, nhưng chúng cũng loại bỏ vi khuẩn tốt. Hãy để cơ thể tìm ra tỷ lệ vi khuẩn và bỏ qua những cách rửa không tự nhiên này.
Rửa sạch vùng kín trước và sau khi giao hợp: Rửa sạch trước và sau khi quan hệ tình dục để giúp duy trì lượng vi khuẩn tự nhiên.
Bỏ quần áo bó, chật: Quần áo quá chật khiến âm đạo và vùng bẹn không thông thoáng.
Mặc quần lót cotton: Quần lót cotton giúp loại bỏ độ ẩm dư thừa do đổ mồ hôi hoặc tiết dịch, không nên sử dụng quần lót vải tổng hợp.
Các phương pháp điều trị tại nhà thường giúp giảm mùi âm đạo bất thường trong khoảng một tuần. Nếu mùi hôi không biến mất hoặc trở nên nặng hơn, phụ nữ nên đi khám để ngăn chặn vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Bác sĩ Phương Thu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Mãn kinh trước tuổi 45 có thể tăng nguy cơ mất trí nhớ sau này
Phụ nữ sau sinh và bà bầu nên tập thể dục thế nào để không 'lợi bất cập hại'?
Đánh giá