Viêm cổ tử cung
Nguyên nhân thường do lậu cầu, xoắn khuẩn giang mai, vi khuẩn gây bệnh hạ cam, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus, HPV (Human papilloma virus), Trichomonas. Viêm cổ tử cung cấp với các triệu chứng: ra khí hư như mủ màu xanh vàng, có bọt hay gặp viêm do trùng roi (Trichomonas) kèm theo ngứa, rát. Khí hư trắng bột, ngứa, thường viêm do nấm Candida albican; khí hư đục màu xám gặp trong viêm do Chlamydia trachomatis. Viêm cổ tử cung phải được điều trị theo nguyên nhân gây bệnh và phải do thầy thuốc sản khoa điều trị sau khi đã khám phụ khoa và tư vấn.
Viêm cổ tử cung phải được điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.
Lộ tuyến cổ tử cung
Là tổn thương do viêm lâu ngày, mất biểu mô lát tầng, mặt ngoài cổ tử cung bị phá hủy, lớp biểu mô tuyến lấn ra ngoài. Khám qua mỏ vịt thấy vùng biểu mô lát không nhẵn bóng mà xù xì màu đỏ có lớp khí hư đục bao phủ, bôi acid acetic 3% các chất nhầy đông lại. Khi soi cổ tử cung thấy hình ảnh chùm nho, bôi Lugol không bắt màu (âm tính). Nếu diện lộ tuyến rộng trên 0,5cm thì điều trị bằng đốt điện hoặc áp lạnh. Nếu có viêm kèm theo thì đặt thuốc chống viêm trước khi xử lý.
Nang naboth
Nguyên nhân hình thành nang naboth là do biểu mô lộ tuyến tiết chất nhầy nhưng lại không thể thoát ra ngoài do lớp tế bào lộ tuyến che lấp. Dần dần, nó sẽ chuyển thành các nang căng phình to bằng hạt gạo, hạt đỗ, thậm chí có thể to hơn.
Cũng như các bệnh phụ khoa thường gặp khác, naboth ở cổ tử cung thường không có dấu hiệu nhận biết nào quá rõ. Bởi thế, các chị em thường không theo dõi chặt chẽ cơ thể thì sẽ khó phát hiện. Các nang này thường có đường kính vài mm đến khoảng 3cm. Chúng thường mềm, màu vàng hoặc trắng. Các khối u có thể xuất hiện riêng lẻ hay tụ lại hình thành một khối bướu nhỏ trong cổ tử cung. Tình trạng này không gây đau hay có bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh này thường chỉ được phát hiện nếu kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ.
Tuy nhiên, các chị em phụ nữ vẫn có thể nhận biết ra mình bị nang cổ tử cung thông qua những triệu chứng nhỏ trong đời sống sinh hoạt: Chảy máu âm đạo bất thường (không phải chu kỳ kinh nguyệt). Trong chu kỳ kinh nguyệt thường cảm thấy đau nhức ở vùng xương chậu. Dịch âm đạo tiết ra nhiều có mùi hôi khó chịu, màu vàng hoắc trắng đục. Trong khi quan hệ vợ chồng thì cảm thấy đau rát ở vùng bụng dưới, thỉnh thoảng có xuất huyết nhẹ. Không còn cảm giác ham muốn trong việc quan hệ vợ chồng.
Polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là những khối phát triển trên kênh cổ tử cung - chỗ nối giữa tử cung với âm đạo. Chúng thường có màu đỏ nhạt, đỏ tía hoặc xám nhạt và có hình dạng như ngón tay, củ hành hay hình cuống lá mỏng. Kích thước của chúng có thể từ vài mm đến vài cm.
Polyp ở kênh cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến, nhất là ở những phụ nữ trên 20 tuổi sinh từ 2 con trở lên và hiếm gặp ở các bé gái chưa có kinh nguyệt.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân gây polyp cổ tử cung hình thành là do cổ tử cung bị viêm nhiễm mạn tính khiến niêm mạc cổ tử cung bị viêm gây tăng sản. Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung tuy chưa được làm rõ nhưng sự gia tăng quá mức estrogen được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới polyp cổ tử cung. Khoảng 2/3 số trường hợp polyp cổ tử cung không có triệu chứng. Các bác sĩ thường phát hiện polyp trong khi làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap test) hoặc các thủ thuật khác. Các triệu chứng của polyp cổ tử cung gồm: Chảy máu kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, chảy máu sau khi quan hệ, chảy máu sau mãn kinh, chảy máu giữa các chu kỳ kinh, dịch âm đạo có thể có mùi hôi do nhiễm trùng...
BS. Trần Nguyệt Hoàng
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nhau cài răng lược: Một nan đề đang đi tìm lời giải
Độ pH âm đạo - “Thước đo” sức khỏe của “vùng kín” phụ nữ
Mắc bệnh đau dạ dày nên ăn gì?
Tăng huyết áp khi mang thai có đáng lo?
Đánh giá