21 December, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng, làm giảm các triệu chứng của các bệnh mãn tính khác nhau.
Để chăm sóc và cải thiện sức khỏe, nhiều người thường hay tập trung vào các lĩnh vực mà chúng ta có thể dễ dàng định lượng và theo dõi, chẳng hạn như lượng carb hoặc calo chúng ta tiêu thụ hoặc số lần chúng ta tập thể dục mỗi tuần. Mặc dù có thể khó đo lường hơn, nhưng giảm và kiểm soát căng thẳng là một thành phần quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, căng thẳng mãn tính có liên quan đến bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường, trầm cảm và lo lắng.
TS Yufang Lin, bác sĩ nội khoa tại Trung tâm Y học Tích hợp tại Cleveland Clinic cho biết, quản lý căng thẳng nói dễ hơn làm, nhưng có bằng chứng cho thấy hít thở sâu có thể là một biện pháp can thiệp hiệu quả để giúp cải thiện căng thẳng và nhiều tình trạng sức khỏe mãn tính.
1. Hít thở sâu giúp hạ huyết áp
Một đánh giá được xuất bản vào tháng 7 năm 2019 trên Tạp chí Y học Liệu pháp bổ sung đã phân tích 17 nghiên cứu với 1.165 người tham gia cho thấy rằng, các bài tập thở chậm dẫn đến giảm huyết áp. Các tác giả kết luận rằng các bài tập thở có thể là phương pháp điều trị đầu tiên hợp lý cho những người bị tiền tăng huyết áp hoặc huyết áp cao có nguy cơ thấp…
Những người trải qua cảm giác lo lắng có thể giảm huyết áp bằng cách hít thở sâu. Để có được những lợi ích sức khỏe lâu dài, bao gồm cả những lợi ích về huyết áp, sự kiên định và luyện tập thường xuyên là chìa khóa quan trọng. TS Lin cho biết.
2. Cải thiện chất lượng sống ở những người bị hen suyễn và COPD
Các bài tập thở sẽ giúp những người mắc các bệnh về phổi như hen suyễn và COPD kiểm soát bệnh. Ở những người bị hen suyễn nhẹ đến trung bình, các bài tập thở có thể giúp giảm các triệu chứng, cải thiện chức năng phổi và chất lượng cuộc sống. Theo một đánh giá của Cochrane được công bố vào tháng 3 năm 2020.
Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ lưu ý: Thở bằng cơ hoành (thở chậm hơn, sâu hơn) thường được dạy trong các chương trình phục hồi chức năng phổi cho người bệnh COPD để giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn và cải thiện nồng độ oxy.
Mặc dù việc tập thở sâu hơn và có chủ đích có vẻ đơn giản nhưng Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cảnh báo rằng các bài tập này có thể mất thời gian để hoàn thiện. Vì vậy, hãy bắt đầu từ từ và đừng thử hít thở sâu khi bạn cảm thấy khó thở.
3. Giúp quản lý các triệu chứng trầm cảm và lo âu
Căng thẳng mãn tính là một vấn đề phổ biến và ngày càng trở nên phổ biến hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Căng thẳng có thể dẫn đến gián đoạn nhịp thở bình thường, và từ đó góp phần gây ra lo lắng và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố vào tháng 6/ 2017 trên tạp chí Frontiers in Psychology, những người tham gia 20 buổi dạy thở bằng bụng (thở bằng cơ hoành) trong 8 tuần, có mức hormone căng thẳng cortisol thấp hơn đáng kể và tỷ lệ chú ý duy trì cao hơn đáng kể so với nhóm kiểm soát.
Tiếp xúc quá nhiều với cortisol (và các hormone căng thẳng khác) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm trầm cảm và lo lắng…
4. Giảm đau đầu
TS Lin cho biết, làm dịu phản ứng giao cảm bằng cách hít thở sâu cũng có thể giúp thư giãn và giảm căng cơ ở cổ và vai, từ đó có thể cải thiện tình trạng đau đầu.
Luyện tập thường xuyên hoặc ngay khi bạn cảm thấy đau đầu có thể hữu ích, đặc biệt là khi kết hợp với thuốc phòng ngừa và cấp tính.
5. Giảm một số triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS)
TS Megan Elizabeth Riehl, Đại học Y tế Michigan ở Ann Arbor cho biết: Khi hít thở sâu cũng sẽ mang lại nhưng lợi ích về tiêu hóa. Các chuyển động sinh lý của cơ hoành có thể giúp giảm căng thẳng trong đường tiêu hóa và có thể giúp điều trị các triệu chứng GERD (bệnh trào ngược dạ dày thực quản), táo bón, tiêu chảy và tiểu gấp…
TS Lin cũng đồng ý rằng, hít thở sâu có thể giúp giảm các triệu chứng này vì căng thẳng có thể cản trở quá trình tiêu hóa tốt.
6. Giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa
Khi căng thẳng, sẽ tăng nồng độ cortisol, một trong những hormone liên quan đến các cơn bốc hỏa, một triệu chứng mãn kinh. Có một số bằng chứng cho thấy thở sâu, chậm với tốc độ từ 6 đến 8 nhịp thở mỗi phút, có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa.
Cơn bốc hỏa cũng có thể xảy ra như một tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư. Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering khuyến nghị các bài tập thở sâu như một cách để giúp giảm mức độ nghiêm trọng hoặc số lượng các cơn bốc hỏa.
Trịnh Xuân Nguyên
Theo Sức khỏe và đời sống
Các bài gần đây
Quan hệ tình dục vào cuối thai kỳ có thể gây chuyển dạ sớm không?
6 hậu quả khi bạn không uống đủ nước cho cơ thể
Chuẩn bị cơ thể sẵn sàng cho việc mang thai
Sau thắt ống dẫn tinh có kiêng quan hệ tình dục không?
Ám ảnh mặc cảm ngoại hình hay bệnh rối loạn khiếm khuyết cơ thể
Đánh giá