Tuy nhiên, việc nhận diện được vấn đề này và giải quyết nó thì không hề đơn giản. Vì sao?
Từ trường hợp bị bạo hành vì quan niệm cổ hủ
Đến khám bệnh ngày hôm nay là một bệnh nhân tuổi ngoài 40. Đi cùng chị là cô con gái. Khi nghe con gái chị kể bệnh, ban đầu tôi nghĩ chị mắc một chứng bệnh loạn thần. Nhưng khi dành thời gian hỏi chị nhiều hơn, tôi nhận ra vấn đề thực sự ở chị là hậu quả của tình trạng bạo lực gia đình. Chị đã chịu một tình trạng bạo lực cả về thể chất và tinh thần, nên mắc trầm cảm nặng.
Chị sinh ra ở một vùng quê nông thôn. Lập gia đình khi vừa tròn 20 tuổi. Chị sinh 3 người con, toàn gái. Chồng chị là con một, trưởng họ to nhất làng. Mong muốn có được một cậu con trai nối dõi tông đường là điều dễ hiểu của chồng cũng như mẹ chồng chị. Điều này cũng đã dẫn đến bi kịch của cuộc đời chị và 3 người con gái.
Mỗi lần trong làng hay trong họ có việc gì, vô tình hay hữu ý mà những lời nói của dân làng, họ tộc cứ xoáy vào đầu anh chồng chị: Ông xuống mâm dưới ngồi đi, ông xây nhà từ thiện hả....
Thế rồi một ngày, anh chồng nói với chị là đã có con trai với một cô ở làng bên. Từ đó anh không còn ở cùng chị, thỉnh thoảng mới về. Bà mẹ chồng cay nghiệt thường chửi mắng chị vì những lý do không biết đẻ con trai. Chị như bị cuốn vào một vòng xoáy không có lối thoát. Rồi chị cố gắng, cố gắng tìm mọi cách đẻ thêm bằng được cậu con trai ở cái tuổi mà các bác sĩ khuyên không nên đẻ. Cậu con trai ấy cũng ra đời nhưng mắc hội chứng Down. Chị đã mắc bệnh trầm cảm nặng, buồn chán bi quan, luôn sợ hãi hoảng hốt. Nghe tiếng chồng hay tiếng mẹ chồng là sợ hãi, có lúc không kiểm soát được hành vi của mình, la hét, đập phá.
Câu chuyện của chị là một trong vô vàn những câu chuyện về bạo hành gia đình trong xã hội ta ngày nay.
Bạo hành thể xác dễ nhận biết hơn bạo hành tinh thần trong gia đình.
Nguyên nhân của bạo hành gia đình
Nguyên nhân của bạo hành gia đình, nhất là với phụ nữ thường có rất nhiều, vì những lý do mang tính chất hủ tục chiếm một phần đáng kể.
Trọng nam, khinh nữ, đòi hỏi vợ phải đẻ được con trai sau này có người thờ cúng.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, và đặc biệt là khi người chồng không phải là chỗ dựa tinh thần cho vợ mà lại mặc cho mẹ chửi mắng vợ mình vì những quan niệm lạc hậu.
Chồng cờ bạc, uống rượu. Họ luôn coi mình là nam giới, có quyền đi uống rượu bia và không cần quan tâm đến việc gia đình, đó là trách nhiệm của phụ nữ.
Bất đồng, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn chị dâu - em chồng, khi người chồng không khéo léo cân bằng mối quan hệ này cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần cho người phụ nữ.
Quan niệm về văn hóa Việt, con gái đi lấy chồng về nhà chồng, lấy chồng theo chồng, có vấn đề gì không thuận hòa ở nhà chồng, không được sự thông cảm giúp đỡ của bố mẹ, người phụ nữ càng cảm thấy bơ vơ, không có nơi để chia sẻ, nhất là với những phụ nữ không độc lập về tài chính.
Khi có mâu thuẫn trong gia đình, nếu có sự bạo hành về cơ thể, chúng ta có thể dễ nhận thấy hơn. Sự bạo hành về cơ thể cũng dẫn đến những tổn thất về tinh thần. Nhưng dù sao đó cũng là những trạng thái dễ nhận biết. Chỉ có những bạo hành về mặt tinh thần diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ, người phụ nữ thường thấy bế tắc, không chia sẻ cùng ai. Và đến một ngày, họ có thể có những hành vi nguy hiểm như tự sát, hủy hoại bản thân, chúng ta mới nhận ra được thì đã quá muộn.
Những bệnh thường gặp do bị bạo hành
Trầm cảm với những biểu hiện buồn chán, bi quan, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, ăn kém, không muốn tiếp xúc, giao tiếp với mọi người. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện hoang tưởng bị hại, hành vi hủy hoại bản thân, tự sát.
Rối loạn lo âu với biểu hiện bồn chồn bất an, đứng ngồi không yên, hồi hộp khó thở, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, vã mồ hôi, run tay chân, hoảng loạn, sợ hãi không có lý do.
Những stress căng thẳng lo lắng có thể là điều kiện thuận lợi dẫn đến bệnh lý loạn thần với hoang tưởng ảo giác, rối loạn cảm xúc hành vi.
Khi gặp phải những tình trạng tâm thần bất ổn như vậy, người bệnh cần được khám tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Phụ nữ cần chủ động về kinh tế, cũng như có những kỹ năng sống cần thiết để khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống vẫn có thể vững vàng không rơi vào những tình trạng bệnh lý về tâm thần.
BS. Yến Trang
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Cách nào phòng ngừa Herpes sinh dục tái phát?
Nguyên nhân gây táo bón kéo dài
Cảnh báo các triệu chứng thiếu sắt
Những thói quen xấu làm giảm phong độ quý ông
Ham muốn tình dục của bạn thay đổi như thế nào qua từng độ tuổi?
Đánh giá