06 August, 2018 0 nhận xét Nhận xét
Cùng với quá trình lão hóa của cơ thể, các tế bào thần kinh chết đi ngày càng nhiều, trí nhớ của con người sẽ suy giảm theo thời gian. Đây là tình trạng suy giảm trí nhớ bình thường của cơ thể. Ở người cao tuổi, sự suy giảm trí nhớ gây ra khó khăn trong học tập hay tiếp thu một vấn đề mới nhưng không ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Mất trí nhớ
Mất trí nhớ là tình trạng suy giảm trí nhớ một cách bất thường và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Người bị mất trí nhớ không thể nhớ nổi một sự việc vừa mới xảy ra hoặc những sự việc đã xảy ra trong quá khứ hay cả hai. Mất trí nhớ thường xảy ra đột ngột, tạm thời trong một thời gian ngắn hoặc diễn ra từ từ với mức độ ngày càng tăng, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất trí nhớ:
Tổn thương não do chấn thương sọ não, u não, đột quỵ…
Lối sống: lạm dụng rượu, ma túy, hút thuốc nhiều, stress, thiếu ngủ…
Bệnh lý: một số bệnh lý gây mất trí nhớ như bệnh động kinh, bệnh Parkinson, bệnh trầm cảm, cơ thể thiếu vitamin B12, bệnh Alzheimer…
Thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng trong một thời gian dài, sẽ gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ.
Một số loại thuốc sau đây khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ:
Nhóm thuốc an thần Benzodiazepin (Diazepam, lorazepam, triazolam…): nhóm thuốc này thường được chỉ định trong điều trị rối loạn lo âu, mất ngủ… Do tác dụng của thuốc làm suy giảm hoạt động của não bộ, suy yếu các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn, nên khi sử dụng một thời gian dài sẽ gây ra mất trí nhớ.
Nhóm thuốc statin giảm mỡ trong máu (Atorvastatin, lovastatin, simvastatin…): nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu, đồng thời cũng làm giảm lượng cholesterol trong não. Cholesterol ở trong não có vai trò quan trọng kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Vì vậy, khi sử dụng nhóm thuốc statin trong một thời gian dài, làm giảm lượng cholesterol trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ của người sử dụng.
Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitryptilin, nortryptilin, imipramin...): nhóm thuốc này có tác dụng ức chế sự hoạt động của serotonin và norepinephrine (những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não), nên khi sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ.
Nhóm thuốc cao huyết áp chẹn (Atenolol, propanolol, timolol…): nhóm thuốc này thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực… Khi sử dụng trong một thời gian dài, các thuốc chẹn thường gây ra mất trí nhớ do ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrin và epinephrine trong não.
Ngoài các thuốc trên, còn có nhiều loại thuốc khác cũng gây ra mất trí nhớ:
Thuốc giảm đau opioid (Hydrocodon, tramadol...).
Thuốc điều trị bệnh Parkinson (Apomorphin, pramipexole…).
Thuốc chống động kinh (Carbamazepine, gabapentin…).
Thuốc kháng histamin (Chlorpheniramin, dexchlorpheniramin…)…
Vì vậy, khi sử dụng các nhóm thuốc trên người bệnh cần phải hết sức thận trọng, tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ kê đơn. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy suy giảm trí nhớ một cách bất thường, cần thông báo kịp thời cho bác sĩ để có hướng xử lý, bằng cách giảm liều dùng hay thay thế một loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ.
DS. MAI XUÂN DŨNG
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Một số bệnh phụ khoa gây vô sinh
Hệ lụy từ suy tuyến sinh dục nam
Đánh giá