20 November, 2015 0 nhận xét Nhận xét
Chẳng bà mẹ nào muốn tin con mình đang bị thừa cân nhưng nếu con bạn ở tuổi tập đi đang quá nặng, sau đây sẽ là những cách có thể làm giúp con giảm cân và tăng cường sức khỏe.
Bạn thích nhéo đôi má chũm chĩm của con, thơm lên chiếc đầu gối tròn tròn và bóp bóp cánh tay nhỏ phúng phính của con. Nhưng có phải con quá nhiều thịt để nhéo không? Khi nào cần phải đánh giá cân nặng của con, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, việc phát hiện con có thừa cân hay không rất quan trọng với sức khỏe của trẻ. Thừa cân tuổi tập đi dễ dàng khiến bé cũng bị thừa cân khi trưởng thành cũng như có khả năng gặp các nguy cơ về sức khỏe gồm các bệnh về tim, tiểu đường và ung thư. Nếu bạn ở một đất nước có tỉ lệ trẻ nhỏ béo phì cao, tốt hơn hết là nên xác định xem con bạn có bị như vậy không để có thể can thiệp kịp thời.
Khi nào cần bắt đầu? Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) và Viện Nhi Khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tính chỉ số khối cơ thể BMI của trẻ - chỉ số dựa trên cân nặng và chiều cao của trẻ để xác nhận một trẻ có bị thừa cân hay béo phì hay không.
Để tính toán BMI, bạn cần số đo chính xác chiều cao và cân nặng của con. Sau đó, tính theo công thức BMI = Cân nặng/ (chiều cao)^ 2. Dựa vào bảng BMI theo giới tính, hãy so chỉ số của con để biết trẻ có thừa cân/ béo phì hay không.
Song trước khi giả định tình huống xấu nhất, hãy luôn nhớ, BMI trẻ tuổi tập đi không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá. Đây gần như là điểm khởi đầu – một cách để xem xét con có bị thừa cân hay không. Một điều quan trọng cần chú ý khác rằng một số trẻ có cơ có thịt hơn sẽ có chỉ số BMI cao mà không phải là thừa cân. Do đó, khi nghiên cứu về BMI của trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để được đánh giá đầy đủ nhất về cân nặng của con.
Trong khi chờ đợi, hãy tập trung cho trẻ ăn những loại thực phẩm lành mạnh và cho trẻ rèn luyện thể dục thể thao.
- Luôn cho trẻ dùng các thực phẩm dinh dưỡng như hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm từ sữa ít béo.
- Cho con dùng ít đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều chất béo.
- Hạn chế nước hoa quả trong bình uống của con, chỉ khoảng 120 – 180 ml/ngày (hoặc hòa loãng với nước lọc để giữ được lâu hơn và cắt giảm lượng đường trong đó).
- Luôn cho trẻ ăn bữa nhẹ và các bữa chính (chia ra làm 6 bữa ăn nhỏ) thay vì để con nhấm nháp cả ngày, nguyên nhân có thể dẫn tới việc ăn quá nhiều.
- Để con tự ăn (trái ngược với việc bạn đút từng thìa cho con) và để con thôi ăn khi cảm thấy đủ. Con sẽ có cảm giác về mức độ bản thân đói tốt hơn bạn. Điều này sẽ giúp trẻ học cách lắng nghe cơn đói và cảm giác no của chính mình.
- Không thưởng đồ ăn cho con. Việc làm đó có thể dẫn tới mối quan hệ cảm xúc không lành mạnh với thức ăn.
- Cố gắng hạn chế thời gian trước màn hình của con, chỉ 1 – 2 tiếng mỗi ngày, để trẻ có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể chất.
- Tìm kiếm các cách để có thể cùng hoạt động với con. Chẳng hạn, đưa con đi chơi công viên, cùng nhau đi dạo và cân nhắc các hoạt động gia đình như đạp xe và đi bộ đường dài.
- Hãy làm gương cho con bằng cách ăn uống lành mạnh và tập luyện đều độ. Khi có lối sống tốt đẹp, con trẻ sẽ càng có động lực để làm theo bạn.
Medshop.vn dịch
Theo whattoexpect.com
Đánh giá