Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể
Hệ miễn dịch (HMD) là một hệ thống bảo vệ vật chủ rất phức tạp, bao gồm nhiều thành phần và các quá trình sinh hóa, nhằm bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhiễm của mọi tác nhân gây bệnh. Mầm bệnh có thể là vi khuẩn, virus, độc tố, ký sinh trùng hay chính các tế bào đột biến, tế bào ung thư của cơ thể, nhiệm vụ của hệ miễn dịch là nhận diện và tiêu diệt các tác nhân này. HMD gồm hai lớp bảo vệ là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thu nhận.
Khi mầm bệnh vượt qua hàng rào vật lý bảo vệ để xâm nhập cơ thể, chúng sẽ gặp phải phản ứng ngay lập tức của miễn dịch bẩm sinh, gồm các bạch cầu, đại thực bào, hệ thống bổ thể giết chết chúng. Các tế bào bạch cầu tại chỗ phóng thích các chất trung gian gây viêm và cytokine để hoạt hóa quá trình viêm; tăng sản xuất các chất tiêu diệt mầm bệnh, thu hút các tế bào của HMD đến “tăng cường lực lượng”. Nếu vượt qua được, cơ thể sẽ kích hoạt lớp bảo vệ thứ hai - miễn dịch thu nhận. Miễn dịch thu nhận gồm hệ thống các tế bào lympho T, lympho B sinh ra kháng thể đặc hiệu tương ứng với từng loại tác nhân gây bệnh (kháng nguyên), có khả năng “ghi nhớ” các kháng nguyên này để nếu có gặp lại sẽ kích hoạt phản ứng nhanh hơn, gọi là trí nhớ miễn dịch.
Tuy cần có thời gian đáp ứng, nhưng miễn dịch thu nhận tấn công mầm bệnh bằng “vũ khí” kháng thể đặc hiệu với chúng, nên mang lại hiệu quả cao hơn. Phòng bệnh bằng tiêm ngừa chính là cho cơ thể “làm quen” với mầm bệnh đã làm suy yếu, để miễn dịch đặc hiệu, “ghi nhớ” và sản xuất kháng thể tương ứng.
Trở lại với SARS-CoV-2, virus này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể là vô cùng quan trọng. Những trường hợp tử vong gần đây ở nước ta đều mắc nhiều bệnh lý nền nặng, bởi HMD của họ suy yếu nghiêm trọng, không thể chống chọi với virus.
Xây dựng một chế độ khoa học, đồng bộ cho sức khỏe
HMD có liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe tổng thể của cơ thể, vì liên quan đến nhiều khía cạnh của sự điều tiết sinh lý. HMD chỉ hoạt động tốt nhất khi cơ thể khỏe mạnh nhất, sẽ đẩy lùi mọi tác nhân gây bệnh cũng như giảm nhẹ, rút ngắn thời gian mắc nếu không may nhiễm bệnh. Tăng cường sức khỏe, nâng cao sức mạnh của HMD, là kết quả của một quá trình bao gồm nhiều yếu tố kết hợp với nhau.
Cần thiết lập và thực hiện đồng thời các biện pháp sau để tăng cường miễn dịch một cách tốt nhất.
Chế độ ăn uống khoa học: Không có một loại thực phẩm hay thực phẩm chức năng nào có thể thúc đẩy mạnh mẽ HMD. Nếu bạn bổ sung quá nhiều có thể gây dư thừa, đây là sai lầm mà nhiều người mắc phải. Bạn phải kết hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, chất dinh dưỡng để tăng cường HMD và sức đề kháng một cách tốt nhất, đây là điểm quan trọng trong chế độ dinh dưỡng phòng bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, béo phì là một trong những nguyên nhân làm suy yếu HMD.
- Thực phẩm chứa lợi khuẩn (probiotic): các chế phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, sữa uống lên men, men vi sinh đông khô… góp phần phòng ngừa và làm giảm nhẹ các bệnh nhiễm trùng hô hấp, bao gồm cả virus cúm. Lợi khuẩn giúp cơ thể tăng đáp ứng miễn dịch thông qua kích thích hoạt động của lympho bào, đại thực bào, tăng sản xuất kháng thể và đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
- Thực phẩm giàu vitamin C: trái cây họ cam chanh, ổi, dâu tây, kiwi, quả lý đen, bông cải… Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa, chống gốc tự do mạnh mẽ, kích thích sản xuất và cải thiện hoạt động của bạch cầu, vì vậy tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Bạn cũng có thể dùng viên uống vitamin C bổ sung, nhưng không nên quá 500mg mỗi ngày để tránh nguy cơ sỏi thận. Trái cây, rau củ vẫn là thực phẩm cung cấp nhiều loại vitamin cùng với các dưỡng chất tự nhiên khác nên tốt hơn cho cơ thể, cần được dùng nhiều hơn trong mùa dịch.
- Thực phẩm giàu vitamin E: dầu gạo, dầu mè, hạnh nhân, hạt hướng dương, quả bơ, quả ôliu, bơ sữa…Vitamin E cũng là một chất giúp HMD hoạt động hiệu quả hơn, thiếu vitamin E sẽ dễ bị nhiễm trùng.
- Thực phẩm giàu kẽm: động vật có vỏ như hàu, tôm cua, thịt bò, trứng, các loại đậu hạt là các thực phẩm giàu kẽm. Kẽm có rất nhiều vai trò trong cơ thể, trong sự tăng sinh tế bào nói chung và các tế bào miễn dịch nói riêng, xúc tác các phản ứng sinh hóa. Kẽm là yếu tố “tối ưu hóa” HMD mà bạn không thể thiếu, đặc biệt khi kết hợp với vitamin C.
- Uống đủ 2 lít nước trong ngày. Trà xanh là một lựa chọn tốt trong mùa dịch. Hạn chế rượu bia, thuốc lá và chất kích thích, là những tác nhân gây hại cho HMD.
Ngủ đủ giấc: Người xưa quan niệm “ăn được, ngủ được là tiên”. Thiếu ngủ khiến các cơ quan, cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn. Ngủ sớm trước 23 giờ, ngủ sâu và đủ giấc 7 đến 8 giờ mỗi đêm là điều kiện cần cho một cơ thể khỏe mạnh, và HMD sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Vận động thể chất giống tạo yếu tố thúc đẩy các cơ quan, hệ thống trong cơ thể hoạt động tốt
Sống vui vẻ: Yếu tố tinh thần cũng ảnh hưởng rất nhiều đến trạng thái thể chất của cơ thể. Khi căng thẳng và stress, HMD sẽ suy yếu do sự thay đổi nồng độ một số hormone. Căng thẳng, buồn phiền làm con người dễ mắc bệnh, kể cả bệnh tim mạch. Bệnh nhân suy sụp tinh thần vì bệnh tật, họ sẽ dễ dàng bị quật ngã, khi bạn đã đầu hàng thì “đội quân” tế bào của HMD không còn tinh thần chiến đấu. Hãy sống vui vẻ, lạc quan, bớt muộn phiền, không lo lắng thái quá để tinh thần thoải mái, tăng cường sức khỏe trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tập thể dục đều đặn: Khi bạn đã thực hiện đầy đủ các biện pháp kể trên, thì vận động thể chất giống như yếu tố thúc đẩy để các cơ quan, hệ thống trong cơ thể hoạt động trơn tru và tốt hơn. Tập thể dục đều đặn tăng cường khả năng trao đổi chất và các hoạt động sinh lý trong cơ thể, đốt bớt lượng chất béo dư thừa vốn làm suy yếu HMD, giảm stress, tăng cường sức khỏe cũng như sức đề kháng. Dù chế độ dinh dưỡng có tốt đến đâu, nhưng nếu thiếu vận động cơ thể bạn cũng sẽ không thể hấp thu đầy đủ và làm việc hiệu quả.
DS. VĨNH PHÚ
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Sảy thai liên tiếp và những điều cần biết
Cơ thể sẽ ra sao nếu thiếu muối?
Đánh giá