Để có thể đáp ứng năng lượng cho cơ thể hoạt động, chúng ta cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Cung cấp như thế nào, số lượng ra sao, cần chú ý điểu gì, là những vấn đề cần được xem xét trên từng đối tượng; tùy theo thể trạng, cân nặng, khả năng hấp thu, tình trạng bệnh lý…
Một số lời khuyên dinh dưỡng chung cho nhóm đối tượng có bệnh lý cần chú ý như sau:
Bệnh suy thận
Người suy thận không nên ăn quá nhiều thức ăn giàu canxi, giàu đạm như: nghêu, sò, tôm, cua... Đặc biệt, việc ăn mặn sẽ dẫn tới cơ thể giữ nước, tăng gánh nặng cho thận. Người bệnh thận chỉ nên ăn từ 2-4g muối/ ngày và giảm lượng đạm tiêu thụ, tùy thuộc vào mức độ suy thận.
Bên cạnh đó, uống nhiều nước là giải pháp hiệu quả giúp thận lọc chất độc, cặn bã ra ngoài. Nguyên tắc chung là nước phải đủ cho cơ thể (mỗi người trung bình cần 2,5 lít nước/ngày). Nếu nước tiểu ít, phải uống nhiều nước. Giai đoạn suy thận nặng, bệnh nhân hạn chế uống nước để giảm áp lực cho thận và không dùng nhiều đồ uống lợi tiểu.
Việc điều trị suy thận được tiến hành: Điều trị bảo tồn (chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp dùng thuốc) và điều trị thay thế (lọc máu ngoài thận, ghép thận). Tùy theo giai đoạn của suy thận (cấp hay mạn tính), độ tuổi của bệnh nhân, để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Thức ăn nên hạn chế: Muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm); ăn hạn chế đạm thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng. Tránh ăn nội tạng động vật; đồ nướng, rán, thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ…); thực phẩm giàu phốt pho (phormat, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ…).
- Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong); chất đường (đường, mía, mật ong, hoa quả ngọt); chất béo (có thể ăn khoảng 30-40g/ngày, ưu tiên chất béo thực vật); bổ sung canxi (sữa); bổ sung vitamin (nhóm B, C, acid folic…).
- Nước uống: Lượng nước uống hàng ngày nên sử dụng từ 300 đến 500ml (tùy theo mùa) + lượng nước tiểu hàng ngày + lượng dịch mất bất thường, hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).
Bệnh tăng huyết áp (THA)
Người THA nếu không thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý thì việc điều trị sử dụng thuốc hạ huyết áp sẽ không đạt hiệu quả. Chế độ ăn của người bệnh THA cần cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ăn ít natri, giàu kali, calci, magie, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu; giảm acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo, giảm chất kích thích…
Nhu cầu năng lượng là 30-35 Kcal/kg cân nặng/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc chiếm 55-67%, từ protein 12-15% và từ lipid chiếm 15-20%. Về chất đạm: Khoảng 60 gam/ngày, dùng protein thực vật như đậu đỗ, nên ăn các loại thịt nạc, ít béo. Không ăn thực phẩm nhiều cholesterol như: óc, lòng, tim, gan, thận. Ăn các thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật, gạo lật nẩy mầm. Về chất béo khoảng 25 gam/ngày. Nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3: cá hồi, cá thu vài bữa/tuần; dùng dầu mỡ từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương…
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín để tăng cường cung cấp kali, chất xơ, các vitamin và chất khoáng. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ. Nhu cầu của người trưởng thành cần ăn ít nhất 400 gam rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó 100 gam hoa quả/ngày.
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)
Nguyên tắc ăn uống là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các thức ăn thích hợp nhằm đảm bảo được cuộc sống bình thường. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ (18,5 ≤ BMI ≤ 23). Ăn thành nhiều bữa một cách hợp lý (bữa chính, bữa phụ) để đảm bảo nhu cầu về năng lượng, kiểm soát glucose máu, huyết áp và lipid máu phù hợp với từng cá thể.
Người ĐTĐ nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để sử dụng. Cần thực hiện chế độ ăn uống để duy trì đường huyết ổn định, tránh các thức ăn làm tăng đường huyết. Người bệnh ĐTĐ phải hạn chế ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều đường, bỏ dần thói quen ăn ngọt, món ăn chiên rán, món xào, nghiện rượu. Nếu không thực hiện chế độ ăn bệnh lý nghiêm ngặt sẽ làm bệnh ĐTĐ nặng hơn, gây nhiều biến chứng cho các cơ quan khác như: Biến chứng suy thận, tăng huyết áp, suy tim…
Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm có hàm lượng glucid ≤ 5%, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải; các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt như: dưa bở, mận, nho ta, nhót… có thể sử dụng không hạn chế.
Hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid từ 10-20%: nên ăn 3-4 lần/tuần với số lượng vừa phải, các hoa quả tương đối ngọt như: quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, các loại đậu quả: đậu vàng, đậu Hà Lan.
Không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng thực phẩm có hàm lượng glucid trên 20%: Các loại bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt; các loại trái cây ngọt nhiều: mít khô, vải khô, nhãn khô. Riêng gạo là lương thực ăn hàng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa ≤ 70g/bữa chính.
Bệnh gout
Chế độ ăn thích hợp vừa giúp giảm tổng hợp axit uric vừa tăng đào thải axit uric qua thận. Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị cơn gout cấp tính, mạn tính, làm giảm các cơn cấp của gút mạn tính.
Nguyên tắc chế độ ăn: Sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, mỡ, đường, trứng, sữa, phomat, rau quả. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan, bầu dục, đậu đỗ. Tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất axit uric qua thận hậu quả là làm tăng lactat máu. Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ. Tăng cường đào thải axit uric qua thận bằng uống nhiều nước, không ăn thức ăn có vị chua (quả chua, dưa chua, cà muối...).
Thực phẩm không nên ăn: Các thực phẩm có nhiều purin như: Không uống rượu, bia, cà phê, chè; Không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu. Không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp. Không ăn chế phẩm có cacao, sôcola.
Thực phẩm ăn với số lượng vừa phải (ăn hạn chế): Thịt các loại, cá các loại, hải sản, gia cầm, đậu đỗ.
Thực phẩm nên ăn: Uống đủ nước: 2-2,5 lít/ngày, nên uống nước khoáng, nước rau, sữa, rau xanh, quả chín, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai…) có thể sử dụng với tỷ lệ nhiều hơn bình thường một chút; Giảm lượng đạm trong khẩu phần: tổng lượng thịt hoặc cá, đạm động vật, đậu đỗ khoảng 150 gam/ngày. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
Mỗi bệnh nhân có bệnh lý nền khác nhau, cần được tư vấn, thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân và thân nhân nên tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn để có thêm thông tin thiết thực, chính xác nhất.
ThS.BS NGUYỄN VĂN TIẾN
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những đồ vật lan truyền SARS-CoV-2 nhiều nhất
Mất ngủ - căn bệnh thời hiện đại
Đánh giá