13 April, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Khi hỏi thăm đến sức khỏe ông bà, con cháu hay chính các cụ thường chép miệng: “bệnh già ấy mà...!”. Đôi khi các cụ còn bị hàm oan khi cho là “nhõng nhẽo như trẻ CON”. Vậy có hay không căn bệnh mang TÊN “tuổi già”?
Thực tế quá trình lão hóa xảy ra trong cơ thể con người với các mức độ khác nhau làm giảm hiệu lực các cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, giảm khả năng thích nghi, bù trừ; do đó không đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống. Thực trạng cơ thể người cao tuổi (NCT) không phải là sự cộng lại một cách máy móc, đơn giản tất cả những biến đổi mà sự giảm hiệu lực các chức năng của mọi quá trình chuyển hóa sẽ làm xuất hiện những cơ cấu thích nghi mới để bảo đảm tính ổn định với một thế cân bằng, nhịp độ mới. Do đó, tốc độ lão hóa phụ thuộc vào sự vận động của cả hai quá trình. Đặc tính chung của sự lão hóa là tính không đồng thì và đồng tốc, nghĩa là các bộ phận trong cơ thể không suy thoái cùng một lần với tốc độ như nhau; có bộ phận suy thoái trước nhưng có bộ phận suy thoái sau, có bộ phận suy thoái nhanh nhưng có bộ phận suy thoái chậm. Vì vậy, cần hiểu rõ đặc điểm bệnh lý và cách phòng bệnh để giúp NCT giữ gìn được sức khỏe cần thiết.
Đặc điểm bệnh lý
Cao tuổi không phải là bệnh lý nhưng tình trạng cao tuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và phát triển vì ở tuổi cao thường giảm khả năng và hiệu lực các quá trình tự điều chỉnh thích nghi của cơ thể, giảm khả năng hấp thu và dự trữ các chất dinh dưỡng; đồng thời thường có những rối loạn chuyển hóa, giảm các phản ứng của cơ thể nhất là giảm sức tự vệ đối với những yếu tố gây bệnh như nhiễm trùng, nhiễm độc, các stress...
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là tính chất đa bệnh lý, nghĩa là NCT thường bị mắc nhiều loại bệnh cùng một lúc. Thực tế có bệnh dễ phát hiện và chẩn đoán nhưng có nhiều bệnh khác lại kín đáo và âm thầm, có khi gây nguy hiểm đến tính mạng nên cần đề phòng sự bỏ sót. Vì vậy khi khám bệnh cho NCT phái rất thận trọng, tỉ mỉ, thăm khám toàn diện để có chẩn đoán hoàn chỉnh, xác định được bệnh chính và bệnh phụ, bệnh cần giải quyết trước và bệnh nên để xử trí sau. Lưu ý chỉ có chẩn đoán đầy đủ mới tránh được những sai sót khá phổ biến trong điều trị bệnh ở NCT.
Trên thực tế, các triệu chứng bệnh lý ở NCT ít khi điển hình; do đó dễ làm sai lệch chẩn đoán và đánh giá tiên lượng. Bệnh ở NCT thường bắt đầu không ồ ạt, các dấu hiệu triệu chứng bệnh lý không rõ rệt cả về mặt chủ quan cũng như khách quan; vì vậy việc phát hiện và chẩn đoán bệnh có thể chậm trễ. Trong giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bệnh lý cũng không rõ rệt như ở những người còn trẻ, do đó việc chẩn đoán bệnh đôi khi khó khăn, nhất là đối với những người yếu sức, nhiều phương pháp xét nghiệm thăm dò chức năng không thực hiện được. Mặc dù bệnh lý xuất hiện kín đáo, không rầm rộ và tiến triển âm thầm nhưng bệnh ở NCT mau ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân, dẫn đến suy kiệt nhanh chóng; bệnh dễ chuyển thành nặng nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Về tiên lượng cũng vậy, cần lưu ý không bao giờ được chủ quan.
Khả năng hồi phục bệnh ở NCT thường kém. Do đặc điểm cơ thể người cao tuổi đã suy yếu, đồng thời lại bị mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trong đó có nhiều bệnh mạn tính nên khi đã qua giai đoạn cấp tính thường phục hồi chậm hơn. Vì vậy, việc điều trị bệnh thường mất nhiều thời gian hơn và sau đó phải có một giai đoạn an dưỡng hoặc điều dưỡng để phục hồi sức khỏe. Song song với việc điều trị bệnh, phải chú ý thích đáng đến việc phục hồi chức năng mang tính chất kiên trì, phù hợp với tâm lý, thể lực của NCT.
Phòng bệnh
Vệ sinh phòng bệnh ở NCT nhằm mục đích tạo cho người có tuổi đã cao một sinh hoạt phù hợp đặc điểm sinh lý của cơ thể với hy vọng làm chậm lại quá trình lão hóa để phòng tránh mắc một số bệnh tật, đồng thời làm cho NCT có được sức khỏe tương đối để tự phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống bình thường. Mục đích của y học đối với NCT không chỉ giúp kéo dài cuộc sống mà còn bảo đảm sức khỏe cho con người trong quá trình lão hóa. Trong các biện pháp giữ gìn vệ sinh ở người cao tuổi, cần đặc biệt chú trọng đến việc ăn uống hợp lý, nên dùng thức ăn dễ tiêu và giàu vitamin, cần chia khẩu phần thức ăn thành nhiều bữa, uống đủ lượng nước theo yêu cầu và không nên hạn chế. Cần bảo đảm giấc ngủ đầy đủ hàng ngày, nếu bị rối loạn giấc ngủ nhưng thực hiện một số biện pháp như tắm nước nóng, đi bách bộ, tập thể dục nhẹ nhàng... vẫn không đem lại kết quả thì nên dùng thuốc ngủ. Chú ý việc luyện tập thân thể tốt nhất là đi bộ với tốc độ vừa phải; nên tập thể dục, chơi thể thao phù hợp, đặc biệt là tập hít thở; lưu ý sự vận động thường xuyên quan trọng hơn là cường độ vận động. Đồng thời, việc vệ sinh tâm thần cũng không thể thiếu và cần rèn luyện để luôn có một trạng thái tinh thần thư thái, điềm tĩnh trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống, đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn bị tâm lý và tinh thần cho lúc về nghỉ hưu. Khi đã nghỉ hưu, nên tham gia một số công việc phù hợp với tình hình sức khỏe; ngoài ra còn cần phải chú ý đến tình trạng táo bón, thường xuyên tắm rửa; tránh sử dụng các chất kích thích như nước trà đặc, cà phê, rượu bia, thuốc lá, thuốc lào...
Việc phòng bệnh ở NCT cần có những biện pháp riêng cho từng loại bệnh. Thận trọng khi đi đứng vì nếu vấp ngã rất dễ bị gãy xương do xương quá xốp. Đặc biệt phải cẩn thận trong khi dùng thuốc điều trị nhất là về liều lượng và trường hợp sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc, thuốc có độc tính cao. NCT không nên tự ý dùng thuốc điều trị mà nên hỏi ý kiến cụ thể của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ chuyên về lão khoa. Việc đi lại bằng máy bay thường không chống chỉ định đối với người cao tuổi còn khỏe mạnh; thực tế nên thì tùy theo từng loại bệnh, mức độ và giai đoạn bệnh lý mà quyết định có nên đi lại bằng máy bay hay không.
Việc tổ chức chăm sóc NCT cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Hiện nay ở nhiều quốc gia đã có những tổ chức xã hội hoặc từ thiện làm nhiệm vụ chăm sóc NCT cô đơn không nơi nương tựa. Nhà nước đã tổ chức những nhà dưỡng lão dành cho NCT, có phòng khám bệnh định kỳ, tạo mọi điều kiện thuân lợi để NCT có thể tham gia đóng góp cho xã hội; đồng thời vận động thành lập các hội, các câu lạc bộ NCT, người nghỉ hưu để NCT có tổ chức sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện tham gia. Về các loại thuốc nâng cao tuổi thọ, hiện nay do chưa xác định rõ ràng nguyên nhân cơ chế ở những người tuổi đã cao; đồng thời tuổi thọ cũng lệ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, môi trường tự nhiên và xã hội... nên chưa có cơ sở nói đến các loại thuốc nâng cao tuổi thọ. Thực tế, do tuổi cao kèm theo sức yếu nên thường có quan niệm cho rằng có thể có những loại thuốc giúp nâng cao tuổi thọ mà chủ yếu là các chất chống oxy hóa, các yếu tố vi lượng, các loại vitamin và sâm, nhung…
Lời khuyên của thầy thuốc
Thực tế hiện nay tuổi thọ ngày càng tăng, số NCT ngày càng nhiều nên ngành lão khoa được hình thành để nghiên cứu các vấn đề có liên quan của NCT đến những nội dung trong cả ba lĩnh vực sinh học, y học và xã hội học một cách khá phong phú. Cơ thể NCT thường có nhiều thay đổi nên đã tạo những điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh lý phát sinh và phát triển. Những loại bệnh này ít nhiều phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của các nước đang phát triển và các nước đã phát triển cũng như môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội. Việc phòng bệnh và điều trị bệnh cho NCT phải thận trọng, cần căn cứ vào những đặc điểm cơ thể và bệnh lý của từng đối tượng để chỉ định xử trí phù hợp; không được thực hành giống như trên một cơ thể của người còn đang trẻ và khỏe mạnh nhằm bảo đảm sự an toàn cho NCT.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bạn đã phòng ngừa và điều trị côn trùng cắn đúng cách?
Chị em đừng chủ quan với rối loạn kinh nguyệt - nguyên nhân gây vô sinh, khó có con
Vì sao nên đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc?
Phân biệt đau nửa đầu và đau đầu
Ứ mật trong gan khi mang thai có nguy hiểm?
Thường xuyên uống nước ngọt có gas, trẻ dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Dấu hiệu cảnh báo thiếu sắt ở trẻ em
Chăm sóc trẻ mắc tay - chân - miệng
Đánh giá