23 March, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Sợ mùi thức ăn, đặc biệt là mùi cơm nóng, mọi mùi vị vốn của ngày thường bỗng trở thành ác mộng với nhiều bà bầu khi ngửi phải. Nhiều người nghén đến mức nôn thắt ruột, nôn ra “mật xanh, mật vàng”.
Sợ cơm xin đừng ép ăn!
Vừa chậm kinh nguyệt 10 ngày, thử có thai là chị N.P.Vy (Đội Cấn, Hà Nội) bị nghén tới nôn ra mật xanh, mật vàng khi ngửi thấy mùi cơm nóng. Về nhà đến giờ nấu cơm là chị phải chạy ra đường. Buổi trưa, đồng nghiệp mua cơm về phòng là chị phải “chạy mất dép” nếu không muốn ôm nhà vệ sinh nôn oẹ.
Triệu chứng nghén khiến nhiều bà bầu nhạy cảm với mùi lạ, dễ gây nôn, buồn nôn. Ảnh: Internet.
Suốt 3 tháng trời, cứ thấy mùi cơm là chị nôn oẹ. Việc chị sụt mất 2kg trong tháng đầu mang bầu khiến mẹ chồng chị Vy sốt ruột, lo cho cháu nội trong bụng. Bà vừa động viên, vừa mát mẻ, xưa bà có bầu nghén cũng phải bịt mũi mà ăn khiến chị Vy nhiều lần cũng đánh liều nhưng khổ nỗi, ngửi thấy mùi hơi cơm (khi đang nấu) chị đã ôm miệng chạy vào nhà vệ sinh; mở nồi cơm ra là nôn thốc không cả kịp chạy.
“Cuối cùng, phải xin bằng được chồng nói mẹ cho về bà ngoại. 2 tháng còn lại mình thảnh thơi ăn miến… nước trong (không nước béo, không thịt), có hao cân đi thật nhưng không còn cảm giác sợ hãi. Ăn nhẹ nhàng nhưng rất thoải mái, không bị áp lực phải cố ăn cơm cho con đủ dinh dưỡng. Lúc nào đói quá thì thay bằng bánh mì khô, đến lúc nào đó tự dưng hết sợ mùi cơm lại ăn ầm ầm, cân nặng lên vòn vọt, con ra đời đã nặng đến 3,6kg”, chị Vy nói.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng cho biết, triệu chứng nghén gây buồn nôn, nôn là nỗi khiếp sợ của các bà bầu nhưng lại là một hiện tượng rất phổ biến, đến 90% thai phụ phải trải qua.
Về nguyên tắc, khi đã nghén, sợ mùi gì thì nên tránh thức ăn đó, tuyệt đối không cố ăn, ép ăn sẽ càng khiến bà bầu sợ hãi. Có thể thay thế loại thức ăn đang gây nghén đó sang một loại thức ăn khác vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Ví như mùi cơm nóng nhiều bà bầu ngửi thấy là nôn. Khi đó, đừng ngại ngần hãy để cơm thật nguội ăn sẽ dễ hơn, nếu vẫn không thể ăn cơm thì hoàn toàn có thể ăn bún miến, mì tôm, ngô… vẫn đảm bảo cung cấp lượng tinh bột cần thiết trong ngày.
Còn nếu sợ dầu mỡ thì đừng làm món chiên rán mà hãy luộc, lựa chọn thịt nạc, hải sản, cá… Hãy chủ động điều chỉnh chế độ ăn, cách nấu hợp khẩu vị nhất trong thời kỳ thai nghén.
Bà bầu cũng nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thêm các loại vitamin quan trọng trong thời kỳ mang thai.
Gừng giúp giảm cơn buồn nôn
Để giảm bớt tình trạng nghén nôn, buồn nôn khi bầu bí, ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, thì việc giữ vệ sinh răng miệng (đánh răng sáng- tối) và sử dụng gừng sẽ giúp giảm thiểu tốt triệu chứng này.
Bà bầu cũng luôn cần mang bên mình một chút đồ ăn nhẹ, tránh tình trạng đói cồn cào cũng gây cảm giác buồn nôn. Nhất là buổi sáng ngủ dậy, đừng vội đánh răng ngay rất dễ kích thích gây buồn nôn mà hãy ăn một chút bánh quy, một cái bánh có vị gừng sẽ giảm được tình trạng này, sau đó chừng 10 – 15 phút mới nên đánh răng.
TS Lâm cho biết, bà bầu chỉ cần dùng Chỉ cần 250mg gừng khô hoặc 1g gừng tươi, dùng 3 - 4 lần trong ngày (cắt mỏng để ngậm), hoặc ăn bánh quy có vị gừng, ngậm một lát mứt gừng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này, nhất là sẽ giảm được triệu chứng buồn nôn và khó chịu vào buổi sáng.
Bà bầu cũng rất nhạy cảm với các mùi lạ, nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường để tránh tình trạng bất ngờ gặp mùi lạ gây phản ứng nôn.
Theo Dân trí
Các bài gần đây
Làm thế nào để tăng chất lượng trứng trong vòng 90 ngày?
Giải pháp nào khi đau bụng kinh?
Tăng chất lượng tinh binh nhờ 4 món dễ làm
Giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ: Ðừng để quá muộn
U nang buồng trứng ảnh hưởng gì tới thai?
Tác dụng tuyệt vời của kẽm với nam giới
Các thực phẩm tăng cường testosterone
Mẹo giảm đau lưng khi mang thai
Đánh giá