13 March, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Nguyên nhân gây cảm cúm thông thường thường do virut gây nên. Khi bị cảm cúm thông thường người bệnh thường có các biểu hiện như: chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho, đau đầu hoặc đau nhức mình mẩy, hắt hơi, chảy nước mắt, sốt, mệt mỏi...
Để làm giảm các triệu chứng của cảm cúm thông thường, có thể dùng các thuốc sau:
Thuốc hạ nhiệt, giảm đau
Các thuốc hạ sốt giảm đau dùng phổ biến trong cảm cúm thông thường là paracetamol, aspirin và ibupfofen. Các thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm đau (đau họng, đau đầu, đau mình mẩy) từ nhẹ đến vừa. Cần lưu ý:
Chỉ dùng hạ sốt khi sốt cao trên 38,50C, vì sốt cũng là một phản ứng có lợi bảo vệ của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, nó chỉ có hại khi sốt cao quá mức. Khi dùng các thuốc này để hạ sốt, giảm đau cách 4-6 giờ mới được dùng lại liều kế tiếp (nếu vẫn còn đau hoặc sốt).
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng để dùng thuốc cảm cúm an toàn.
Đối với paracetamol, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm có chứa dược chất này. Vì vậy, khi dùng cần đọc kỹ thành phần thuốc để tránh dùng trùng lặp thuốc gây quá liều dẫn tới hại gan (ngộ độc gan), đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều lượng cho từng đối tượng (trẻ em, người lớn), vì trẻ em liều dùng thường tính theo mg/kg cân nặng của trẻ. Không dùng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên vì nguy cơ xảy ra hội chứng Reye. Đây là một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm liên quan đến não và gan, có thể gây tử vong). Đối với ibupfofen, người lớn có thể dùng dạng viên, trẻ em dùng dạng siro. Tuy nhiên, đối aspirin và ibuprofen không dùng cho người loét dạ dày tá tràng tiến triển, quá mẫn với thuốc, người bệnh bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch...
Thuốc làm thông mũi
Một số thuốc có tác dụng co mạch dùng tại chỗ như naphazolin, oxymetazolin... sẽ giúp người bệnh khắc phục được tình trạng nghẹt mũi, tắc mũi. Thuốc có thể ở dạng nhỏ hoặc xịt. Các thuốc này có sẵn trong các nhà thuốc, hiệu thuốc và mua khá dễ dàng. Khi dùng cần lưu ý tới nồng độ thuốc, nhất là khi dùng cho trẻ em.
Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với thuốc, trẻ sơ sinh. Trẻ em dưới 6 tuổi phải dùng một cách thận trọng, có sự theo dõi của bác sĩ. Không nên dùng thuốc nhiều lần và liên tục để tránh bị sung huyết nặng trở lại. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 3 ngày không đỡ người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ.
Tăng cường rau củ, trái cây giúp phòng ngừa cảm cúm.
Một số thuốc thông mũi dạng uống (dùng đường toàn thân) cũng có thể được sử dụng như pseudoephedrin. Thuốc làm giảm sung huyết thông qua tác động trên thần kinh giao cảm. Tác dụng chống sung huyết từ từ nhưng kéo dài làm co niêm mạc bị sung huyết ở đường hô hấp trên, giúp đường thở thông thoáng. Không dùng thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi, người bệnh tim, tăng huyết áp... Cần thận trọng dùng cho người cao tuổi, vì có khả năng xảy ra tác dụng phụ nhiều hơn ở đối tượng này như gây lẫn lộn, ảo giác, co giật, ức chế hệ thần kinh trung ương... Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như gây lo lắng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nổi mày đay...
Thuốc ho
Nếu ho khan ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh như làm mất ngủ có thể dùng thuốc ho dextromethophan. Thuốc này cũng có sẵn trong các hiệu thuốc. Tuy nhiên, không dùng thuốc cho người quá mẫn cảm với dextromethophan và các thành phần khác của thuốc, người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO) vì có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trong quá trình dùng thuốc người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc như: chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, nhịp tim nhanh, nổi mày đay, buồn ngủ nhẹ, rối loạn tiêu hóa...
Bác sĩ khuyến cáo
Không dùng thuốc kháng sinh để uống khi bị cảm cúm, vì kháng sinh không có tác dụng đối với virut. Việc dùng thuốc kháng sinh sẽ gây lãng phí tiền bạc, người bệnh lại có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc sẽ gây hại cho cơ thể.
Các thuốc làm giảm các triệu chứng của cảm cúm trên có thể ở dạng đơn lẻ hoặc dạng phối hợp (nhiều thành phần trong một sản phẩm), nên khi dùng người bệnh cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng để tránh dùng quá liều thuốc gây ngộ độc.
Ngoài việc dùng các thuốc chữa triệu chứng, người bệnh cần uống nhiều nước (nước lọc, nước trái cây, súp nóng... ), giúp bổ sung chất dịch bị mất khi bị sốt và cần nghỉ ngơi. Bên cạnh đó có thể súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% ấm nhiều lần trong ngày hoặc uống nước chanh nóng với mật ong có thể giúp làm dịu đau họng và giảm ho. Việc sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mũi có thể làm giảm nghẹt mũi.
BS. Nguyễn Bích Ngọc
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nhóm máu Rh (âm) có nguy cơ gì cho thai?
Chuyên gia dạy trẻ cách tự thoát khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục
Có kinh sớm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ
7 bí quyết để kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực
Tôi đã chuyển sang sử dụng cốc nguyệt san và kết quả thật bất ngờ
Bị phù khi mang thai – có nên uống ít nước?
Chăm sóc bé suy dinh dưỡng, thấp còi
6 sai lầm về sức khoẻ của phụ nữ tuổi 50
Tuyệt chiêu giúp trẻ tháo bỉm tự đi vệ sinh chỉ trong 3 ngày
Đánh giá