11 August, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Tại phòng khám Y học gia đình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV.ĐHYD) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp người bệnh bị ung thư tinh hoàn giai đoạn trễ đã di căn mà không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ được phát hiện khi tình cờ khám sức khỏe tổng quát.
Ca ung thư không triệu chứng
Điển hình là trường hợp mới đây là Anh Huỳnh Văn T, 25 tuổi, ngụ tại TP.HCM, đi kiểm tra sức khỏe vì thấy ho chút ít và không có triệu chứng gì khác. Khi làm các xét nghiệm kiểm tra thì phát hiện có rất nhiều nốt trên phổi - hình ảnh điển hình của ung thư từ một cơ quan khác di căn đến phổi.Theo ThS.BS. Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp BV. ĐHYD, khi có dấu hiệu như vậy thì bác sĩ cần phải tìm kiếm bộ phận nào trong cơ thể bị ung thư (gọi là ổ nguyên phát) dẫn đến di căn đến phổi. Các bộ phận bị ung thư di căn đến phổi thường hay gặp là vú (ở phụ nữ), tinh hoàn (ở nam giới), đại tràng, thận, vòm hầu, xương, tuyến giáp... Người bệnh này có kết quả các xét nghiệm tổng quát (bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu) bình thường và có sức khoẻ tương đối tốt nên bác sĩ lưu ý đến các cơ quan thường bị bỏ sót trong quá trình khám và xét nghiệm tổng quát là tinh hoàn. Khi hỏi về các triệu chứng ở tinh hoàn, người bệnh cho biết hiện tại không có gì bất thường, ngoại trừ trước đó vài tháng có bị sưng tinh hoàn phải, sau đó tự hết. Khi khám tinh hoàn phải BS Vinh phát hiện khối u cứng, không sưng đau. Vì không gây đau nên người bệnh đã không đi khám trong một thời gian tương đối dài. Đây chính là lý do ung thư tinh hoàn có thời gian di căn lên phổi.
Theo TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu BV.ĐHYD, vấn đề cần lưu ý ở trường hợp này là mặc dù phát hiện có bất thường ở bìu từ trước nhưng do chủ quan nên người bệnh không đi khám, và ngay cả khi đi khám vẫn không nói với bác sĩ về bất thường này. Lý do có thể là người bệnh cho rằng triệu chứng như vậy là bình thường nhưng phần lớn hơn là khi bị bệnh ở những chỗ nhạy cảm như bộ phận sinh dục sẽ khiến người bệnh ngại đi khám hay ngại khai bệnh với bác sĩ. Những thanh niên từ 15 - 35 tuổi có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất lại là những người còn quá trẻ nên rất ngại khi khám vùng nhạy cảm này. Đây là nhóm đối tượng rất cần chú ý bất thường ở vùng tinh hoàn.
BS. Như Vinh đang tư vấn cho người bệnh
Điều may mắn là ung thư tinh hoàn lại là một trong những loại ung thư có thể chữa khỏi. Hiện tại, trong năm 2017, ở Mỹ chỉ có 400 người chết vì căn bệnh này, một con số rất nhỏ so với các ung thư khác, và tỉ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư tinh hoàn là 95% (nghĩa là nếu có 100 người bị ung thư tinh hoàn thì khi được điều trị sẽ có 95 người còn sống sau 5 năm). Nếu so với một số bệnh ung thư khác như ung thư phổi tỉ lệ sống sau 5 năm là 1 - 49% hay ung thư dạ dày là 4 - 71% tuỳ theo giai đoạn thì mới thấy rằng ung thư tinh hoàn tương đối nhẹ hơn nhiều.
Những yếu tố nguy cơ
TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức cho biết các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm tinh hoàn lạc chỗ - tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng không xuống đến bìu và người bệnh chỉ thấy có 1 tinh hoàn còn bên kia không có, bất thường bẩm sinh về hệ tiết niệu sinh dục (thận, dương vật) và có tiền căn gia đình có người bị ung thư tinh hoàn.
Các biểu hiện của bệnh như có cục cứng chỗ bìu, đôi khi có cảm giác đau hay khó chịu vùng bìu hay bìu lớn lên bất thường. Một số người bệnh có cảm giác đau vùng bụng dưới, lưng hay bẹn. Nếu phát hiện trễ khi ung thư đã di căn đến nơi khác thì tuỳ nơi di căn sẽ có các biểu hiện triệu chứng của cơ quan đó như ho, khó thở khi di căn đến phổi; đau bụng, nôn ói khi di căn đến dạ dày, đau nhức xương nếu di căn đến xương, yếu liệt, nhức đầu hay hay hôn mê nếu di căn lên não....
Về diễn tiến nếu phát hiện sớm khi ung thư còn nằm tại tinh hoàn mà chưa di căn đến nơi khác thì có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu phát hiện trễ thì tế bào ung thư sẽ di căn đến nhiều cơ quan khác và khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên ung thư tinh hoàn di căn xa vẫn còn khả năng chữa khỏi cao hơn rất nhiều so với các loại ung thư khác khi đã di căn.
Đừng để muộn màng
TS.BS. Nguyễn Hoàng Đức lưu ý ung thư tinh hoàn không có triệu chứng ban đầu rõ ràng nên khiến người bệnh không chú ý hoặc chủ quan cho rằng khối cứng nhỏ ở tinh hoàn không có gì nghiêm trọng nên không đi khám. Nhiều người bệnh và nhân viên y tế thường nghĩ rằng ung thư chỉ xuất hiện ở người có tuổi (từ trung niên trở lên) nên ít nghi ngờ ở người trẻ tuổi. Qua trường hợp người bệnh 25 tuổi này, BS Đức khuyến cáo nếu các bạn trẻ thấy có gì bất thường dù không thấy các dấu hiệu gì bất thường cũng nên khi khám để bác sĩ theo dõi. Khám sức khoẻ định kỳ là một phương pháp tốt để phát hiện sớm các bất thường của cơ thể và từ đó đi tìm nguyên nhân để điều trị trong đó có cả nguyên nhân ung thư. Các ung thư phát hiện sớm qua thăm khám định kỳ luôn có kết quả điều trị tốt hơn các ung thư được phát hiện trễ khi người bệnh đi khám với triệu chứng rõ ràng (như khối u đã to gây ra các triệu chứng do khối u đó chèn ép các cấu trúc xung quanh, xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh hay di căn đến các cơ quan khác). Do vậy, người dân nên đi khám định kỳ mỗi 1-2 năm một lần để phát hiện bệnh sớm nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Các bạn nam trẻ tuổi nên tự khám cơ quan sinh dục của mình và nếu thấy bất thường nên đi khám và không nên ngại ngần trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nam giới
10 mẹo đốt cháy calo hiệu quả nhờ đi bộ
Lúc ốm đau nên ăn hay nên nhịn?
Cô gái trẻ tự cứa tay hành xác để giải tỏa ức chế
Những cột mốc khiến vòng eo quý ông tăng nhanh
Stress - “Kẻ” âm thầm thủ tiêu ham muốn
Đánh giá