21 September, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Bên lề Hội nghị sơ kết giai đoạn I thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do 4 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay 21/9 tại Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương – là BV đầu ngành điều trị Nhi khoa ở phía Bắc.
PGS. Điển cho biết: Trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000- 4.000 trẻ nhỏ, điều trị nội trú cho 1.700 trẻ. Trong số đó hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng: hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca... Hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều BV ở các tỉnh khác nhau, chính vì đặc tính nặng như vậy nên tỉ lệ nhiễm khuẩn BV ở mức cao.
PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương.
PV: Các bậc cha mẹ thường có thói quen tự ý mua thuốc điều trị cho con mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Ông nghĩ sao về thực trạng này?
PGS.TS Trần Minh Điển: Đây là điều đáng báo động. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà chúng tôi có cấy phân thì trong đó có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ.
Hiện nay, rất nhiều bệnh nhi chuyển lên chỗ chúng tôi đã có nhiễm khuẩn từ tuyến dưới rồi cho nên ở tại BV Nhi Trung ương có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại BV. Hàng ngày chúng tôi phải xác định những ca bệnh nhiễm khuẩn BV và đưa ra chiến lược điều trị thích hợp cho mỗi ca bệnh.
PV: Việc điều trị cho các bệnh nhi kháng các loại thuốc kháng sinh hiện nay gặp những khó khăn gì thưa ông?
PGS.TS Trần Minh Điển: Việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Chúng tôi phải có sự họp bàn phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các em bé; đồng thời phải kết hơp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé thì mới có thể mới vượt qua dược tình trạng kháng kháng sinh này.
Ảnh minh hoạ.
PV: Vậy theo ông làm thế nào để kiểm soát tình trạng vi khuẩn kháng thuốc?
PGS.TS Trần Minh Điển: Theo tôi, trong xu hướng tới đây làm thế nào để giảm bớt tình trạng kháng thuốc và vi khuẩn lan truyền kháng thuốc, chúng tôi thấy rằng kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề quan trọng kiểm soát được vi khuẩn lan truyền trong BV.
Trong vấn đề đầu tiên là kiểm soát nhiễm khuẩn tôi cho rằng cần có sự phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp, nhân viên y tế và người nhà cần tuân thủ phòng ngừa do tiếp xúc.
Vấn đề thứ 2 là sử dụng kháng sinh, đây cũng là điều rất quan trọng, cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Ở BV chúng tôi cứ mỗi 6 tháng 1 lần đều có các thông báo vi sinh để có chiến lược xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, tỉ lệ tuân thủ phác đồ từ đó cao lên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Minh Điển!
Phát biểu hội nghị PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay.
Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại Châu Âu: số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn (ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ đô la/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ đô la/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
6 dấu hiệu chứng tỏ bạn quá can thiệp vào cuộc sống của trẻ
10 cách để bảo toàn tối đa dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về
Kiểm soát trọng lượng giữa thai kỳ để giảm nguy cơ tăng huyết áp
Đánh giá