20 February, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua khoảnh khắc muốn phát điên vì làm không hết việc nhưng con cứ khóc lóc, ỉ ôi liên tục.
Bạn vừa bước vào nhà sau một ngày bận điên đảo, và nhóc con lập tức dính chặt lấy chân bạn, vừa khóc lóc, vừa rên rỉ, bắt đầu từ lúc đó, mãi không dứt. Bạn trở nên căng thẳng: còn bữa tối phải chuẩn bị, bài tập về nhà của con phải ngó qua và đống quần áo đã giặt phải phơi lên.
Sau một ngày mới được gặp mẹ đi làm về, trẻ rất cần được vỗ về, ôm ấp (Ảnh minh họa).
Bạn đã thử bật kênh phát bộ phim hoạt hình yêu thích của con hoặc thậm chí đổ tung thùng Lego ra với hi vọng con sẽ tự chơi mà để bạn có thời gian, ít ra là, nấu bữa tối. Nhưng tiếng rên rỉ, ỉ ôi vẫn tiếp diễn và con chẳng còn hứng thú nào khác ngoài cái chân bạn.
Nghe có vẻ rất quen, phải không các mẹ?
Chà, hãy nghĩ theo hướng này: Giống như cái cách bạn sạc đầy pin cho chiếc điện thoại của mình, trẻ con cũng cần "sạc pin" một chút. Chỉ cần "sạc" bằng những cái ôm và khoảng thời gian tĩnh lặng và được mẹ vỗ về, âu yếm. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học nhắc đến với tên gọi "Sạc pin cảm xúc" và tất cả chúng ta đều cần tới nó. Bọn trẻ còn đặc biệt cần nhiều hơn chúng ta, thường vào thời điểm cuối ngày, khi trẻ cảm thấy đôi chút mệt mỏi và hơi quá tải.
Tôi biết tôi cũng từng rơi vào tình cảnh như thế, bị giằng xé giữa cảm giác giận dữ, khó chịu với con vì không để tôi tiếp tục làm những việc cần làm và song song với đó là cảm giác tội lỗi vì tôi đã bực tức con.
Sau khi trò chuyện với một người bạn làm chuyên gia trị liệu các vấn đề gia đình, tôi bắt đầu áp dụng mẹo nhỏ này bất cứ lúc nào nhóc con nhà tôi (thậm chí cả trẻ lên 6) "diễn" cảnh ỉ ôi: Ngồi xuống với con trong vài phút và chỉ cưng nựng con thôi. Đôi khi, mẹ con tôi ngồi trên ghế sofa, những lần khác, chúng tôi đơn giản là ngồi bệt trên sàn nhà bếp. Ngồi ở đâu không quan trọng, điểm mấu chốt là tôi dành chút thời gian để ôm ấp, vỗ về con.
Sự thực là, việc khóc lóc - ở trẻ mầm non hoặc trẻ nhỏ hơn - không phải theo kiểu rên rỉ, ỉ ôi để ăn vạ mà thực sự là mong muốn nhận được sự dỗ dành. Tại sao ư? Bởi vì trẻ nhỏ chưa "thủ đoạn" tới mức đó, trẻ không lên kế hoạch để làm phiền, để chọc tức mà chỉ đơn thuần là đòi hỏi sự quan tâm của bạn.
Những khoảnh khắc gần gũi về thân thể có thể đủ để giúp một đứa trẻ lấy lại cân bằng sau một ngày dài ở trường hay thậm chí sau một buổi chơi đùa bận rộn (Ảnh minh họa).
Và bạn thử đoán xem? Mẹo nhỏ đó hoàn toàn hiệu quả. Không mất nhiều thời gian trước khi tâm trạng trẻ thay đổi hoàn toàn và mọi thứ lại đâu vào đó. Tôi đã trao cho con cơ hội "sạc pin cảm xúc" mà chúng cần và thực sự, cả tôi và con đều cảm thấy khá hơn.
Nguyên do, theo người bạn là chuyên gia trị liệu của tôi, nằm ở chỗ, những khoảnh khắc gần gũi về thân thể này có thể đủ để giúp một đứa trẻ lấy lại cân bằng sau một ngày dài ở trường hay thậm chí sau một buổi chơi đùa bận rộn. Nhu cầu của trẻ được đáp ứng, và phần lớn trẻ, sau vài khoảnh khắc được ôm ấp, cưng nựng, sẽ vui vẻ để bạn rời đi, tiếp tục nấu nướng hay làm bất cứ việc gì đó, còn mình thì tiếp tục chơi.
Đó là một chiêu làm mẹ đã cũ nhưng chưa bao giờ hết tác dụng, tôi đoán vậy. Và đó cũng chính là sức mạnh kỳ diệu thực sự của những cái ôm.
Theo Afamily
Các bài gần đây
Dễ mắc bệnh nhiễm trùng vì nạp nhiều chất phụ gia này
Đánh giá