10 May, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Các nguyên nhân thực thể
Bệnh quai bị: Là nỗi ám ảnh của nam giới, đặc biệt nếu mắc bệnh sau tuổi dậy thì, bệnh có thể gây hại cho các tế bào sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Trong hầu hết trường hợp, chỉ một bên tinh hoàn của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Một số người bệnh ảnh hưởng cả hai tinh hoàn khiến việc sinh tinh không còn nữa nên không thể thụ thai.
Rối loạn quá trình sinh tinh: Là nguyên nhân thường gặp nhất và có thể chiếm đến 50% các trường hợp không có tinh trùng. Đây là một quá trình phức tạp xảy ra bên trong tinh hoàn. Bất thường về yếu tố di truyền cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý không có tinh trùng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Là tình trạng tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn bị giãn do máu không lưu thông bình thường. Thay vì máu đến có thể thoát ra thì ùn ứ lại khiến tĩnh mạch bị giãn. Tình trạng máu ứ cũng làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn gây cản trở việc sản sinh tinh trùng.
Ung thư tinh hoàn: Nguyên nhân do khối u ác tính phát triển trong tinh hoàn, phá hủy các mô tinh hoàn gây ảnh hưởng đến việc sinh tinh. Nếu không phát hiện sớm không chỉ gây vô sinh mà ung thư tinh hoàn còn có thể di căn đến các bộ phận khác gây nguy hiểm tính mạng.
Bất thường mào tinh: Ở một số nam giới, khi xuất tinh, tinh dịch không có tinh trùng nên không thể thụ thai. Điều này có thể do tắc nghẽn hoặc dị tật mào tinh, ngăn cản tinh trùng kết hợp với dịch lỏng tạo thành tinh dịch.
Phẫu thuật hoặc chấn thương: Chấn thương tinh hoàn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng dẫn đến vô sinh. Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn có thể làm máu không lưu thông đến tinh hoàn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa trị tinh hoàn ẩn cũng có thể ảnh hưởng đến việc sinh tinh.
Hiếm muộn có thể do sử dụng một số thuốc: Tiền căn dùng một số thuốc chữa bệnh có thể gây tổn hại tạm thời hay vĩnh viễn quá trình sinh tinh như: hóa trị ung thư, hormon, sulphasalazin, spironolacton, các thuốc huyết áp.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân chỉ xuất hiện rải rác, có thể do rối loạn hoạt động đường dẫn tinh hay suy tuyến yên: xuất tinh ngược dòng (tinh dịch được đưa ngược vào bàng quang); giao hợp không xuất tinh (trường hợp này không có phản xạ xuất tinh nên tinh trùng không thể xuất ra ngoài được); suy tuyến yên làm giảm sản xuất Lh và FSh (Lh có tác dụng kích thích tinh hoàn sản xuất hormon testosteron còn FSh có tác dụng kích thích tế bào mầm sản xuất tinh trùng). Nếu giảm Lh và FSh thì giảm tinh trùng.
Nguyên nhân từ thói quen và môi trường sống
Stress, hút thuốc, uống rượu: Làm việc quá sức, lo lắng, stress, sử dụng thức uống có cồn, hút thuốc lá đều ảnh hưởng tiêu cực đến tình dục và quá trình sinh tinh. Hầu hết những căng thẳng về thể chất và tinh thần quá mức đều có thể làm giảm số lượng tinh trùng: stress về tình cảm; căng thẳng công việc hay chơi thể thao quá sức. Khói thuốc lá chứa rất nhiều độc chất, gồm có: nicotin, CO, các chất sinh ung thư, các chất thuộc nhóm benzen…Thuốc lá không chỉ làm giảm tuổi thọ của con người mà còn làm giảm khả năng sinh sản. Thuốc lá làm giảm số lượng và độ di động của tinh trùng. Rượu và đồ uống có cồn cũng tác động xấu tới quá trình sinh tinh và sức khỏe của tinh trùng.
Môi trường nhiệt độ cao: Những người làm việc trong các ngành nghề phải thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể bị suy giảm chất lượng tinh trùng. Các nghề đó gồm: thợ rèn, thợ hàn, thợ luyện kim, đầu bếp… Hơn nữa, việc ngâm mình trong nước nóng quá lâu, thường xuyên tắm nóng, tắm hơi… có thể làm tăng nhiệt độ tinh hoàn và làm suy yếu tạm thời khả năng sản xuất tinh trùng.
Bức xạ, sóng điện thoại di động (ĐTDĐ) là nguyên nhân làm giảm số lượng tinh trùng: sóng ĐTDĐ có thể hủy hoại tinh trùng của nam giới. Người cho ĐTDĐ vào túi quần và đeo ở thắt lưng thường xuyên sẽ bị giảm chất lượng tinh trùng. Gần đây, người ta chứng minh rằng sử dụng máy tính xách tay đặt trên đùi cũng làm giảm số lượng tinh trùng. Nguyên nhân có thể do nhiệt độ cao và từ trường do máy phát ra ảnh hưởng đến hiện tượng sinh tinh.
Hóa chất, thuốc trừ sâu, tiếp xúc với kim loại nặng: Một số chất ô nhiễm được ghi nhận có ảnh hưởng rõ rệt lên chất lượng tinh trùng bao gồm: các gốc oxy tự do, các hóa chất diệt côn trùng, diệt cỏ, một số hydrocarbon (ethylbenzen, bezen, toluen, xylen…), một số chất bảo quản, hóa chất có trong vật liệu xây dựng, nội thất… Hiếm muộn ở nam giới có thể do tiếp xúc trong thời gian dài với kim loại nặng như chì, cadmium, arsenic làm giảm số lượng tinh trùng. Một lượng rất nhỏ kim loại nặng có trong tinh dịch có thể ức chế nhiều enzym quan trọng cho quá trình thụ tinh trứng của tinh trùng.
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Dùng collagen như thế nào cho đúng
Đánh giá