30 December, 2016 0 nhận xét Nhận xét
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B chiếm khoảng 10%-20% tổng dân số. Đây chính là nguyên nhân gây ra tới hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Tỉ lệ đồng nhiễm ở người sống chung với HIV cũng vào khoảng10%. Đa số bệnh nhân không biết mình bị nhiễm virus viêm gan B nếu không xét nghiệm máu.
Viêm gan vi rút B lây truyền như thế nào?
- Lây từ mẹ sang con trong lúc sinh là con đường lây phổ biến nhất ở nước ta;
- Qua truyền máu hoặc chế phẩm của máu bị nhiễm virus HBV;
- Qua tiếp xúc với máu dịch tiết của người đã nhiễm bệnh (do dùng chung các vật dụng gây tổn thương da chảy máu: dao cạo râu, kim tiêm, bàn chải đánh răng,…);
- Qua quan hệ tình dục không an toàn với người đã nhiễm bệnh.
Virus viêm gan virus B không lây qua đâu?
- Nuôi con bằng sữa mẹ;
- Ăn uống chung;
- Ôm hôn, bắt tay;
- Ho, hắt hơi.
Bệnh viêm gan B diễn tiến như thế nào?
- Khi nhiễm virus viêm gan B người bệnh có biểu hiện viêm gan virus B cấp tính từ nhẹ đến nặng. Các biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa. Trường hợp nặng có thể có vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu.
- 90% nhiễm virus viêm gan B ở người lớn sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ có 10% chuyển thành viêm gan virus B mạn tính. Tuy nhiên, nếu trẻ em nhiễm virus viêm gan B từ lúc mới sinh thì có đến 90% chuyển thành virus viêm gan B mạn tính.
- Nhiều người mắc virus viêm gan B mạn tính không có triệu chứng và không biết là đã nhiễm bệnh. Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, các tổn thương gan vẫn diễn ra âm thầm, cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Đánh giá nhiễm viêm gan virus B cần những làm xét nghiệm gì?
- Xét nghiệm máu, sinh hóa để kiểm tra chức năng gan, đặc biệt là men gan SGOT, SGPT, GGT.
- Các xét nghiệm về virus học gồm: HBsAg, Anti-HBe, tải lượng virus (HBV-DNA), Anti-HBc.
- Siêu âm để đánh giá chất lượng nhu mô gan.
Viêm gan virus B có thuốc điều trị không?
- Khi bệnh ở giai đoạn có chỉ định điều trị, bác sỹ sẽ lựa chọn thuốc nhắm ức chế virus ngăn ngừa biến chứng, giảm tỉ lệ tử vong. Tùy trường hợp, bác sỹ có thể lựa chọn thuốc kháng virus, Interferon hoặc phối hợp cả hai thuốc.
- Người bệnh phải đi khám bệnh, làm xét nghiệm và theo dõi định kỳ tại bác sỹ chuyên khoa gan.
- Không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Chế độ ăn uống cho người bị viêm gan như thế nào?
- Nên ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu, hạn chế các thực phẩm quá bổ dưỡng, nên ăn ít thịt. Các thực phẩm chính rất thích hợp với bệnh nhân viêm gan virus là bột mì, gạo tẻ, ngô, hạt bo bo, đậu tương, đậu đen, đậu xanh,… nhằm duy trì năng lượng cần thiết (phương thức chế biến có thể làm nấu nhừ, hoặc xay nhuyễn…).
- Bổ sung các loại rau - quả giàu vitamin trong các bữa ăn như: bầu, bí, cà chua, bắp cải, cam, quýt, táo...
- Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, như thịt các loại, trứng gia cầm, hải sản... không thể thiếu, nhưng người bệnh chỉ nên dùng lượng thích hợp (1g/ngày/kg thể trọng).
- Hạn chế ăn các món cay dễ kích thích như ớt, hồ tiêu, bột cải, tỏi, gừng. Vì những gia vị gây kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, hạn chế tiết dịch tiêu hóa, gây chán ăn.
- Giảm tối thiểu các thức ăn có mỡ, kể cả các món xào, rán; kiêng tuyệt đối rượu bia;
Một số biện pháp phòng bệnh viêm gan virus B
- Tiêm vaccine viêm gan B là biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho người chưa mắc bệnh.
- Luôn sinh hoạt tình dục an toàn để tránh trao đổi các chất dịch cơ thể trong khi sinh hoạt tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn.
- Không dùng chung bàn chải, dao cạo râu, bông tai hoặc dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể.
- Băng ngay các vết cắt hoặc vết bầm tím để tránh tiếp xúc với máu.
- Không chạm vào máu hoặc chất dịch của bất kỳ người nào mà không dùng dụng cụ bảo vệ.
- Bảo đảm trẻ em sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều được chủng ngừa ngay và được điều trị bằng globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG).
- Đối với người đã nhiễm virus viêm gan B cần bảo vệ gan bằng cách:
+ Khám định kỳ chuyên khoa gan
+ Kiêng rượu bìa. Rượu bia làm bệnh gan tiến triển nặng và nhanh hơn.
+ Kiêng hoặc bỏ hẳn thuốc lá. Hạn chế chè, cà phê.
+ Ăn uống đầy đủ, chú ý bổ sung đạm và vitamin hợp lý. Hạn chế ăn quá nhiều chất béo.
+ Tập thể dục thường xuyên và tránh những vận động quá sức. Trong một số trường hợp có thể cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Theo Dân trí
Các bài gần đây
Đồ uống nào tốt nhất cho người bị ợ nóng?
Những cú đạp của bé vào tuần thai thứ 20 nhắc mẹ điều gì?
Hy hữu vụ "nhầm cha" trong quá trình thụ tinh nhân tạo
Những lý do khiến trẻ hay ốm vặt
7 thói quen khó bỏ của người Việt dễ dẫn đến chứng tiểu đêm
Ép ăn là cách dễ nhất mẹ khiến con kém thông minh, chậm chạp
Đánh giá