06 June, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Kẽm là một chất bảo vệ chống ôxy hóa và sự tấn công của các gốc tự do. Nó còn chống lại tác dụng của một số chất độc, kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác.
Biểu hiện của tình trạng thiếu kẽm
Có thể nhận thấy dấu hiệu thiếu kẽm như móng tay dễ gãy hoặc chậm mọc và có những vết trắng, da khô (biến đổi chuyển hóa acid béo) là một dấu hiệu gián tiếp. Những dấu hiệu bên ngoài thường được biểu hiện là gia tăng tính tổn thương với nhiễm khuẩn. Ở trẻ em thì lười ăn, chậm phát triển thể lực; ở đàn ông giảm khả năng sinh sản; ở phụ nữ có thai gia tăng biến chứng của thai nghén, giảm trọng lượng trẻ sơ sinh, thậm chí có thể bị lưu thai, nguy cơ sinh non tăng gấp 3 lần, khả năng biến dạng của hệ thần kinh và kém phát triển tinh thần ở trẻ là rất cao; ở người già, thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc, tăng khản năng loãng xương và teo cơ... Những dấu hiệu khác thiếu kẽm là giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc và móng, tóc dễ rụng, khả năng miễn dịch suy giảm...
Kẽm rất quan trọng đối với cơ thể.
Nguồn cung cấp kẽm
Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chưa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Nguồn thức ăn nhiều kẽm là từ động vật như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà và lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và sôcôla, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hoa anh đào, hạnh nhân, táo, lá chè xanh... Có tác giả đã xếp danh sách của 10 loại thực phẩm giàu kẽm nhất với hàm lượng kẽm (mg)/100g thực phẩm là: hải sản (hàu đã nấu chín) 78,6; thịt bò và thịt cừu (thịt nạc đã nấu chín) 12,3; mầm lúa mì 16,7, hạt bí ngô và hạt bí 10,3; ca cao và sôcôla (bột ca cao) 6,2; các loại hạt 5,6; thịt lợn và thịt gà (thịt lợn nạc vai đã nấu chín) 5,0; nấm 0,9; rau bi-na 0,8; đậu 0,5.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hàm lượng kẽm trong 100g thực phẩm ăn được nhiều nhất được tính theo thứ tự là : 1. Sò: 13,40mg; 2. Củ cải: 11,00mg; 3. Cùi dừa già: 5mg; 4. Đậu Hà Lan (hạt): 4mg; 5. Đậu tương 3,8mg; 6. Lòng đỏ trứng gà: 3,7mg; 7. Thịt cừu: 2,9mg; 8. Bột mì: 2.5mg; 9. Thịt lợn nạc: 2,5mg; 10. Ổi: 2,4mg; 11. Gạo nếp giã: 2,3mg; 12. Thịt bò: 2,2mg; 13. Khoai lang: 2mg; 14. Gạo tẻ giã: 1,9mg; 15. Lạc hạt: 1,9mg; 16. Kê: 1,5mg; 17. Thịt gà ta: 1,5mg; 18. Rau ngổ: 1,48mg.
Một số nguồn thực phẩm tối ưu bao gồm: hàu sống, 6 con to vừa = 76,7mg kẽm; cua bể nấu chín, 84g = 6,5mg kẽm; thịt bò thăn, nạc, nướng, 112g = 6,33mg kẽm; hạt bí ngô sống, 1/4 cốc = 2,57mg kẽm; tôm, hấp/luộc, 112g = 1,77mg kẽm; nấm Crimini (loại nấm cúp màu nâu), chưa qua chế biến, 140g = 1,56mg kẽm; rau bina, luộc, 1 chén = 1,37mg kẽm.
Những người cần bổ sung kẽm
Người ăn chay, phần lớn kẽm từ thực phẩm xuất phát từ các sản phẩm thịt. Kết quả là, những người ăn chay (đặc biệt là người ăn chay trường) sẽ cần nhiều hơn 50% kẽm trong chế độ ăn uống của họ so với người không ăn chay.
Những người bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh viêm ruột loét miệng, viêm ruột kết, bệnh thận mạn tính hoặc hội chứng ruột ngắn sẽ có một khoảng thời gian khó khăn hơn để hấp thụ và giữ lại kẽm từ thực phẩm mà họ ăn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú, để đáp ứng đủ nhu cầu kẽm của bào thai, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có lượng kẽm dự trữ thấp khi mới có thai thì mỗi ngày sẽ cần thêm nhiều kẽm hơn những người khác.
Trẻ đã lớn nhưng vẫn bú sữa mẹ, cho đến khi được 7 tháng tuổi, trẻ có thể nhận được đủ lượng kẽm hàng ngày từ sữa mẹ. Sau đó, nhu cầu hàng ngày tăng 50% và một mình sữa mẹ sẽ không đáp ứng đủ nữa.
Người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm, nghiên cứu gần đây cho thấy 60-70% những người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm có mức độ kẽm thấp hơn (điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em), bởi vì cơ thể hấp thụ nó khó khăn hơn.
Người nghiện rượu, một nửa số người nghiện rượu có nồng độ kẽm thấp vì họ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng (do tổn thương đường ruột từ việc uống rượu quá nhiều hoặc vì kẽm bị tiết ra nhiều hơn qua nước tiểu của họ).
Đàn ông ở tuổi trưởng thành cũng là đối tượng rất cần cung cấp kẽm, bởi lẽ kẽm rất quan trọng trong việc sản xuất tinh dịch. Tới 5mg kẽm bị mất đi trong quá trình xuất tinh. Thiếu hụt kẽm ở đàn ông có thể dẫn tới giảm lượng tinh trùng và tần xuất tình dục. Sự xuất tinh thường xuyên có thể dẫn tới thiếu hụt kẽm. Mất đi một lượng nhỏ kẽm có thể làm đàn ông sụt cân, giảm khả năng tình dục và có thể mắc bệnh vô sinh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Chọn thức ăn giàu kẽm như hàu, gan, thịt đỏ, trứng, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại rau, củ, trái cây... nhưng cần ăn cân đối thức ăn thực vật và động vật. Cũng có thể chọn dùng các thực phẩm có bổ sung kẽm, một số chế phẩm chứa vitamin muối khoáng có hàm lượng kẽm khá đầy đủ. Khắc phục thiếu kẽm, nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, người có thai và cho con bú (tất nhiên cần xác định mức độ thiếu kẽm). Bổ sung các thuốc có chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm). Uống sau ăn 30 phút. Thời gian bổ sung là 2-3 tháng. Chữa các bệnh gây thiếu kẽm trước khi bổ sung (ví dụ bệnh rối loạn đường tiêu hóa). Khi dùng kẽm nên dùng thêm vitamin A, B6, C và phospho vì các chất này làm tăng sự hấp thu kẽm. Nếu dùng cả sắt và kẽm thì dùng cách xa nhau, dùng kẽm trước, vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm. Tránh bổ sung thừa vì dùng nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Không được dùng mỗi ngày quá 150mg.
ThS. Hoàng Khánh Toàn
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Chăm sóc móng tay từ dầu thực vật
Đi bơi mùa hè cũng phải chú ý chống nắng cho làn da
Cách nuôi dưỡng trẻ trong thời kỳ bú mẹ
Nữ công nhân gặp khó khăn và e ngại trong việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản
Đánh giá