30 July, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Nhiễm trùng sơ sinh là tình trạng rất hay gặp trẻ mới sinh cho đến 28 ngày tuổi. Do mới sinh nên hệ thống miễn dịch cơ quan phòng vệ của cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nhất là trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng.
Bệnh lý nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Nguồn lây bệnh cho trẻ có thể từ mẹ, người chăm sóc trẻ hay từ môi trường xung quanh trẻ qua da, rốn, đường hô hấp, tiêu hóa…gây bệnh lý nhiễm trùng thường gặp như nhiễm trùng da, nhiễm trùng rốn, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm ruột, viêm màng não…
Nguyên nhân do da trẻ sơ sinh còn mỏng nên chức năng bảo vệ chưa tốt, ngoài ra còn do sức đề kháng trẻ sơ sinh kém và sự thiếu hiểu biết của gia đình và người chăm sóc trẻ khi chăm sóc trẻ không đúng cách gây tổn thương cho trẻ.
Để hạn chế bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh
Do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện, vì vậy trẻ cần dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc tác nhân gây bệnh và chăm sóc vệ sinh trẻ thật tốt là cách để hạn chế bệnh nhiễm trùng cho trẻ.
Đối với trẻ sơ sinh tốt nhất là nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ phải ăn uống khoa học để sữa mẹ đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Sữa mẹ ngoài cung cấp chất dinh dưỡng còn chứa các kháng thể giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc nguồn lây nhiễm trùng. Mẹ và người chăm sóc bé phải vệ sinh sạch sẽ như tắm rửa mỗi ngày không nên kiêng cữ và rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc trẻ.
Để trẻ không được tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm nên khi ba mẹ hay người chăm sóc trẻ bị sốt, ho, cảm cúm hay các bệnh lý nhiễm trùng khác không nên trực tiếp chăm sóc trẻ vì nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Nếu buộc phải chăm sóc vì không có người thay thế cần đảm bảo mang khẩu trang, rửa tay đúng cách khi chăm sóc trẻ. Để làm được việc này tốt nhất hạn chế người vào thăm trẻ cũng là cách hạn chế nguồn lây bệnh.
Các dụng cụ cần tiệt khuẩn bằng luộc nước sôi hay hấp trước khi cho trẻ dùng như ly, thìa, bình sữa. Các đồ dùng cho trẻ như khăn, quần áo, chăn, gối phải sạch sẽ và nên thay thường xuyên.
Vệ sinh cho trẻ như thế nào?
Trước hết phòng ngủ phải thoáng mát, sạch sẽ, ít ồn ào, ánh sáng vừa phải. Vệ sinh chăm sóc trẻ mỗi ngày đúng cách. Trẻ cần tắm rửa mỗi ngày để làm sạch da, hạn chế nhiễm trùng và giúp trẻ thoải mái. Không nên ủ ấm trẻ quá mức, do dịch bệnh COVID-19 không nên cho trẻ ra ngoài nếu tắm nắng cần qua cửa sổ để bổ sung vitamin D uống mỗi ngày. Chú ý thay tã thường xuyên để hạn chế tình trạng hăm da vùng mang tã.
Đối với việc chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh cần chú ý. Rốn khi chưa rụng và sau rụng còn tiết dịch phải chăm sóc đúng cách mỗi ngày bằng nước muối sinh lý để hạn chế nhiễm trùng. Rốn chưa rụng cần để thoáng không băng rốn và quấn tả dưới rốn. Không tự ý bôi chất lạ vào rốn trước khi hỏi ý kiến của bác sĩ.
Việc chăm sóc mắt trẻ sơ sinh cũng được lưu ý, vì mắt trẻ sơ sinh sau khi sinh có thể tiết ít ghèn do phản ứng với thuốc nhỏ mắt phòng ngừa nhiễm trùng mắt sau sinh. Cần rửa mắt trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% và lau mắt trẻ bằng gòn vô trùng.
Một số trẻ còn tiết ghèn ít hay chảy nước mắt sống kéo dài có thể trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh. Trẻ cần rửa mắt với nước muối sinh lý mỗi ngày để làm sạch. Không tự ý dùng thuốc hay nhỏ mắt bằng chất lạ trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.
Trẻ sơ sinh dễ bị viêm kết mạc sau khi sinh do các tác nhân như lậu, tụ cầu, chlamydia…Do đó khi mắt trẻ sưng đỏ hay có ghèn mủ nhiều phải đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị.
ThS. BS Nguyễn Thị Kim
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Những bí quyết cho mẹ có bé kén ăn
Giải pháp giúp bé hết lo táo bón
Đánh giá