04 August, 2021 0 nhận xét Nhận xét
Lão hoá là điều không thể tránh khỏi của con người, theo thời gian càng lớn tuổi chức năng của các cơ quan yếu dần, da nhăn nheo, hệ miễn dịch, hệ tim mạch, hô hấp đều suy giảm…
Lão hóa được nhiều người xem là một hiện tượng đáng sợ, không mong muốn. Tuy nhiên, đây là quá trình diễn tiến sinh lý bình thường của cơ thể, con người không thể chống lại được. Mặc dù không chống lại được lão hoá nhưng con người có thể được làm chậm quá trình lão hoá.
Một trong những yếu tố quan trọng để làm chậm quá trình lão hoá đó là một lối sống khoa học với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tinh thần sảng khoái kết hợp với tập luyện thể dục thể thao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chúng ta vẫn biết rằng dinh dưỡng là tiền đề cho một sức khoẻ tốt để chống chọi với bệnh tật, và dinh dưỡng cũng không thể thiếu vai trò của mình với quá trình lão hoá.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn cân bằng chất bột đạm béo, đủ vitaminh khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị, giàu chất chống oxi sẽ làm giảm bớt sự lão hoá của tế bào.
Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng mà trong đó là tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường miễn dịch, ngủ đủ giấc. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc sẽ giúp cho chúng ta làm chậm quá trình lão hoá.
PGS. Lâm cũng chia sẻ thêm, theo tuổi tác và thời gian từ làn da, mái tóc cho đến các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, hô hấp, tiêu hoá… cũng lão hoá dần. Vì thế, ngay từ khi còn trẻ chúng ta đã phải chuẩn bị để làm chậm quá trình lão hoá.
Trước hết, ăn cân đối đa dạng giữa các nhóm thức ăn, một ngày nên ăn 15-20 loại thực phẩm, mỗi thứ ăn một chút. Bạn nên chú trọng các loại rau gia vị như hành, tía tô, mùi, thìa là, các loại rau thơm.., đây là những loại rau mà rất tốt cho việc làm chậm quá trình lão hoá.
Từ thực tế khám bệnh, PGS Lâm cung cấp thêm, bà thường gặp nhiều chị em bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm làm cho sức khoẻ suy giảm nhanh da nhăn nheo, tóc xơ, bạc…nếu tình trạng này kéo dài thì lão hoá cũng "gõ cửa" rất nhanh, vì thế chị em cũng nên chú trọng bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng. Sắt có nhiều trong gan, thịt đỏ... Kẽm có nhiều trong đồ biển. Với chị em, nếu không có thói quen ăn đồ biển thì rất dễ bị thiếu kẽm.
Ngoài ra, với phụ nữ loãng xương cũng là vấn đề cần quan tâm. Chị em nên chọn các thực phẩm có nội tiết tố từ thực vật như sữa đậu nành, đậu tương, sâm, tam thất cũng được khuyến nghị. Ngoài ra, bổ sung vitamin D tăng cường khả năng hấp thu canxi vào cơ thể tránh loãng xương.
Chế độ tập luyện phù hợp với tinh thần sảng khoái không stress giúp phụ nữ làm chậm qúa trình lão hoá.
Về vấn đề luyện tập, chị em phụ nữ nên luyện 30-60p/ngày. Có thể đạp xe đạp, tập luyện 1 môn thể thao yêu thích…
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền Phó chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa, Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho hay, cơ chế lão hoá phải đi từ cội nguồn, ngoài các vi chất có vai trò rất tốt với việc chống lão hoá như vitamin A, C, thì cũng cần quan tâm đến các chất chống gốc tự do như Selen và vitamin E. Đây là hai chất chống gốc tự do cho cả nam và nữ.
Selen hỗ trợ tế bào não, củng cố, duy trì chế độ ăn đảm bảo chống gốc tự do. Còn về tập luyện chúng ta nên duy trì tập luyện từ trung bình đến cao. Trong công việc cần tăng cường hoạt động nhất có thể không ngồi ỳ một chỗ và ăn thức ăn nhanh.
Tập luyện khoa học làm tăng chất và giảm tình trạng kháng insulin, ngoài ra còn có tác dụng rất tốt trong việc thải độc tố của cơ thể, tạo ra nhiều phản ứng trao đổi tích cực cho cơ thể.
"Không có gì đáng sợ về lão hoá cả, chúng tôi có thông điệp gửi đến mọi người là đến với lão khoa để trẻ lâu và để lão hoá lành mạnh. Vì thế , ngay từ khi còn trẻ bạn đã phải có ý thức chống lão hoá. Mặc dù vậy, mọi hoạt động ăn uống tập luyện phải rất khoa học. Bạn không nên quá lạm dụng. Bởi như vậy sẽ đẩy nhanh quá trình lão hoá. Tôi luôn có một tinh thần tốt. Nếu quá căng thẳng không ngủ được, tôi phải tìm cách giải toả căng thẳng và phải ngủ bù. Tôi luôn tìm sự cân bằng tối đa trong cuộc sống kết hợp với ăn uống tập luyện hợp lý làm nền tảng để chống lão hoá sau này", PGS. Huyền chia sẻ.
Thương Huyền
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Hiểu thêm về một số loại vaccine phòng COVID-19
Những dấu hiệu “tố" cơ thể bạn đang thiếu vitamin nghiêm trọng
Đánh giá