Bạch biến là gì?
Đây là một tình trạng xảy ra do sự phá hủy hay giảm các tế bào hắc tố - tế bào sản xuất sắc tố trên da của mỗi người, dẫn đến hậu quả là xuất hiện những mảng trắng trên da. Nguyên nhân chính xác của bạch biến đến nay vẫn chưa được làm rõ, nhưng hầu hết các trường hợp là do tự miễn. Nói một cách dễ hiểu, hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công chính các tế bào hắc tố bình thường làm giảm và mất sắc tố trên da. Là một bệnh lý tự miễn, bạch biến có thể liên quan đến các tình trạng tự miễn khác, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý tuyến giáp.
Bạch biến một phần có liên quan đến yếu tố di truyền, tuy nhiên, nếu cha mẹ mắc bệnh thì khả năng di truyền cho con cái chỉ khoảng 6%. Bệnh có thể hiện diện ở tất cả các vùng cơ thể, nhất là những vùng da cọ xát thường xuyên (như khuỷu tay, tay, hông, đầu gối, và đầu ngón chân), ngoài ra có thể bị ở quanh mắt, mũi và miệng, bộ phận sinh dục…
Đây là bệnh lý khá thường gặp, ảnh hưởng đến 2% dân số toàn cầu, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi týp da. Trong hầu hết các trường hợp, những mảng trắng này diễn tiến chậm, thậm chí không tiến triển. Một số ít lại có thể diễn tiến xấu đi nhanh chóng, và có 10-20% tự tái sắc tố lại như bình thường và vùng da tái sắc tố có thể sậm màu hơn. Khoảng 1/3 trẻ em mắc thể bạch biến theo phân đoạn, những mảng trắng giới hạn thành từng dải, và thường ít khi lan rộng.
Liệu pháp ánh sáng (UVB phổ hẹp) trong điều trị bạch biến
Nhận biết bệnh bạch biến ở trẻ
Biểu hiện đặc trưng của bệnh bạch biến ở trẻ em là xuất hiện những đốm da, mảng da có màu trắng bị mất đi sắc tố. Chúng tạo thành những vết loang lớn khác hẳn với những vùng da bình thường. Vùng mép chỗ da bị loang có màu đậm hơn và dễ nổi lên một cách cân đối ở hai bên cơ thể.
Trẻ bị xuất hiện các chấm màu nâu trên vùng da tổn thương. Trên những vùng da bị bạch biến, tóc hoặc lông cũng chuyển sang màu trắng. Các đốm bạch biến có thể thấy dễ dàng ở mắt, cổ, lưng, cẳng tay, cổ tay, mu bàn tay,… Ngoài ra, trẻ bị bạch biến còn có các triệu chứng khác như tóc bạc sớm, mất màu môi…
Bên cạnh nhận biết qua các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bạch biến ở trẻ em bằng cách sử dụng máy soi da để xác định những vùng da bị ảnh hưởng khó nhìn thấy bằng mắt thường. Bên cạnh đó, bệnh nhi sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh và xác định trẻ có bị mắc các bệnh liên quan khác hay không. Cụ thể, trẻ sẽ được xét nghiệm máu (xác định trẻ có mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp, đái tháo đường); thực hiện sinh thiết (kiểm tra các tế bào sắc tố da)
Bạch biến có nguy hiểm không?
Thông thường bạch biến được chia thành 3 loại cơ bản:
- Bạch biến khu trú: Các đốm trắng xuất hiện ở những vùng da nhỏ.
- Bạch biến lan tỏa: Đây là dạng bạch biến phổ biến nhất với các triệu chứng xuất hiện đối xứng ở hai bên cơ thể và có dấu hiệu lan rộng.
Tại BV Da Liễu TP.HCM, mỗi năm tiếp nhận nhiều trường hợp bị bệnh lý bạch biến, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em trong độ tuổi trưởng thành. Bạch biến là bệnh lý lành tính, thường không gây ra triệu chứng đáng kể, thỉnh thoảng có thể hơi ngứa, không đe dọa tính mạng và là bệnh lý không lây nhiễm. Tuy nhiên, bệnh bạch biến gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trẻ em bị bạch biến dễ bị bắt nạt hơn so với trẻ khác, làm cho trẻ bị mặc cảm, căng thẳng, ảnh hưởng đến việc giao tiếp xã hội. Đối với những trường hợp này, trẻ cần phải được chuyên gia tâm lý can thiệp điều trị tâm lý kịp thời.
Sử dụng kem chống nắng chống UVA/UVB (phổ rộng), SPF từ 30 trở lên, kháng nước trước khi ra ngoài cho trẻ.
Các phương pháp điều trị
Bạch biến là một bệnh lý rất khó điều trị, cho đến nay y học vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị cho trẻ bị bạch biến như:
- Thuốc thoa: Thuốc thoa có chứa corticosteroid hay ức chế calcineurin có thể hiệu quả trong việc phục hồi sắc tố, có thể dùng chung với các điều trị khác. Thuốc thoa có chứa corticosteroid có thể làm mỏng da, rạn da, vì vậy cần phải có hướng dẫn của bác sĩ da liễu, nhất là vùng da quanh mắt.
- Liệu pháp ánh sáng: Trẻ em có vảy nến lan rộng, có thể điều trị với UVB phổ hẹp.
- Ghép da.
- Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ da liễu sẽ cho chỉ định phù hợp…
Chăm sóc trẻ bị bạch biến đúng cách
Bên cạnh việc nhận biết, đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời, đúng cách, việc chăm sóc cho trẻ bạch biến đúng cách cũng đặc biệt quan trọng. Theo đó, phụ huynh cần chủ động các biện pháp bảo vệ da cho trẻ trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Cụ thể, nên sử dụng kem chống nắng hàng ngày cho trẻ nhằm chống tia UVA/UVB (phổ rộng), tốt nhất là sử dụng kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên, kháng nước. Bên cạnh đó, cha mẹ cần mặc quần áo dài tay để bảo vệ da cho trẻ, cho trẻ chơi ở các khu vực bóng râm, thoáng mát…
Ngoài ra, việc trang điểm che khuyết điểm (vùng da trắng mất sắc tố) có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ. Theo một nghiên cứu được thực hiện trên các trẻ có độ tuổi từ 5 -18 tuổi có vấn đề về da rõ rệt như: bớt bẩm sinh, sẹo, bạch biến… Những trẻ này đều cảm thấy buồn rầu, chán nản vì làn da của mình. Tuy nhiên, khi chuyên gia trang điểm thực hiện che khuyết điểm các tình trạng này, trẻ ngay lập tức vui vẻ và thoải mái, tự tin hơn, dễ nói chuyện với bạn bè hơn. Phụ huynh khi trang điểm che khuyết điểm cho con em nên tìm hiểu và lựa chọn các sản phẩm kháng nước, không trôi trong suốt 1 ngày, không sinh nhân mụn, không gây dị ứng. Các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hoặc có thể sử dụng sản phẩm nhuộm da kháng nước có chứa dihdroxyacetone cho hiệu quả lâu dài hơn so với kem che khuyết điểm thông thường.
Winnie Harlow - siêu mẫu với làn da bạch biến.
Bạch biến là căn bệnh đã khiến tuổi thơ của Winnie dần trở thành ác mộng. Cô trở thành tâm điểm của những trò diễu cợt, trêu trọc, khi bị người khác là “ngựa vằn” hay “bò sữa”, khiến cô cảm thấy tự ti, tuyệt vọng. Nhưng vươt lên tất cả những khó khăn và mặc cảm, Winnie đã tỏa sáng như một siêu mẫu trên sàn diễn thời trang quốc tế và những vết bạch biến đã trở thành những nét riêng khiến cô nổi bật hơn giữa thế hệ người mẫu đầy tài năng.
BS.CKII VŨ THỊ PHƯƠNG THẢO
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
10 bí quyết cải thiện tiến trình chống lão hóa
Đưỡng nhăn và nếp nhăn: thời điểm nào xuất hiện là bất thường?
5 dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn cho làn da và mái tóc khỏe mạnh
Đánh giá