27 October, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Mùa hè đã tới và khắp các hiệu thuốc ở phương Tây trưng bày vô vàn các loại kem chống nắng khác nhau. Ở Châu Á, kem chống nắng được coi là vật dụng thường xuyên nên luôn có rất nhiều quanh năm. Là một tín đồ chăm sóc da, tôi nghĩ mình nên chia sẻ một số mẹo hữu ích học được về chống nắng, đặc biệt khi có quá nhiều thông tin sai lệch về sản phẩm này.
Hầu hết chúng ta đã biết về những cách chống nắng cơ bản, như thoa lại sau mỗi 2 giờ đồng hồ,v.v. Bài viết này nhằm mục đích thảo luận sâu hơn các vấn đề có tầm quan trọng ngang nhau. Trong đó, có một số vấn đề thực sự chỉ có tính chất học thuật (nếu bạn đã đọc các tài liệu xuất bản về nó, bạn sẽ hiểu ý tôi). Vì bài này nhằm giới thiệu tới những bạn gái không phải là tín đồ chăm sóc da hoặc ở mức trung bình, tôi sẽ viết cực kì dễ hiểu để các bạn nắm rõ. Và để thú vị hơn (một blog dài toàn chữ sẽ gây nhàm chán) tôi cũng sẽ dán ảnh minh họa vào bài viết. Sau đây là 5 lời khuyên dành cho các bạn:
1. Chỉ nhìn vào chỉ số SPF không thôi chưa đủ
Tôi luôn bị ngạc nhiên khi hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần chỉ số SPF cao (chỉ số bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời) là được bảo vệ đầy đủ. Không hoàn toàn là như vậy – có 2 loại tia UV tạo ra từ ánh nắng mặt trời tác động tới da – UVA và UVB (cũng có cả UVC nhưng tia này bị tầng ozôn hấp thụ và bạn không cần phải lo lắng về điều này). Cả UVA và UVB đều gây hại cho da – gây tổn hại tới các sợi collagen trên da cũng như gây ra các gốc tự do gây tổn hại. Tuy nhiên, UVA không gây hiện tượng da cháy nắng mà chỉ có UVB làm được điều này. Sự thật thì sẽ phức tạp hơn nhiều song tôi sẽ cố gắng giải thích thật đơn giản, dễ hiểu cho các bạn. Chỉ số SPF trong sản phẩm chống nắng chỉ là thước đo khả năng bảo vệ chống lại tia UVB. Cơ bản thì, SPF càng cao, bạn càng được bảo vệ khỏi tác hại của UVB. Đương nhiên, đây chỉ mới là một nửa câu chuyện – bạn không biết bất cứ điều gì về việc liệu sản phẩm mình dùng có giúp bảo vệ khỏi UVA hay không. Vì thế, dù có thoa chống nắng khắp người chăng nữa, da bạn vẫn gần như không được bảo vệ khỏi UVA, nên vẫn sẽ bị tổn hại bởi ánh nắng. Thực tế, mọi chuyện còn tệ hơn vì bạn không nhanh chóng bị đốt cháy dù tiếp xúc UVA nên sẽ lại ở ngoài nắng lâu hơn
Vậy, làm sao để xác định được sản phẩm chống nắng mình dùng có bảo vệ tốt khỏi tia UVA hay không? Rất khó. Không giống chỉ số SPF vốn được định nghĩa rõ ràng khắp thế giới, không có một tiêu chuẩn toàn cầu nào cho khả năng bảo vệ UVA. Ở một số nước, đặc biệt các nước châu Á, bạn thấy các giá trị PA, chẳng hạn PA+, PA++, PA+++, v.v. Đây chính là chỉ số bảo vệ UVA, càng nhiều dấu + phía sau, khả năng bảo vệ càng cao. Bạn sẽ thấy các kí hiệu này có nhiều trong các sản phẩm chống nắng tại Nhật. Theo kinh nghiệm bản thân, hiếm khi tôi thấy có nhiều hơn PA+++. Ở một số nước, như tại châu Âu, họ dùng kí hiệu PPD (chỉ số chống lại tia tử ngoại UVA) như một thước đo, theo sau là các số đếm, như PPD 4, PPD 8, PPD 12, v.v. (Không mấy khi tôi thấy sản phẩm chống nắng có PPD >12). Cũng giống SPF, giá trị PPD càng cao, khả năng bảo vệ càng mạnh. Ở Mỹ và các nước khác, chẳng có hướng dẫn chuẩn nào về việc ghi nhãn chỉ số bảo vệ UVA nên hầu hết các sản phẩm này sẽ đề cập trên nhãn dạng như “bảo vệ phổ rộng”. Nếu không thấy có thông tin về PA hoặc PPD, nói chung bạn sẽ xem nó là một dạng ám chỉ cũng có khả năng bảo vệ khỏi UVA. VÌ vậy, lời cuối – đừng chỉ nên nhìn vào chỉ số SPF. Hãy kiểm tra xem sản phẩm có khả năng bảo vệ UVA hay không.
1a. Ghi chú thêm: Chỉ số SPF cũng có thể gây hiểu lầm
Giờ đây khi đã có ý thức về việc chọn một sản phẩm chống nắng bảo vệ phổ rộng, tôi sẽ làm sáng tỏ cho bạn một quan niệm sai lầm cuối cùng về SPF. Đặc biệt ở châu Á, các cô gái cuồng nhiệt sản phẩm có spf cao (sau đây bạn sẽ thấy sản phẩm chống nắng có SPF 130 và SPF 100 khá phổ biến). Đôi khi người ta cảm thấy đó là những loại bảo vệ chống nắng mạnh mẽ nhất có thể nhận được. Tuy nhiên, SPF cao không hoàn toàn nghĩa là mức độ bảo vệ cũng cao. Khi qua một điểm nhất định, khả năng bảo vệ thêm sẽ giảm dần vì thế khả năng bảo vệ ánh nắng không tăng lên tỉ lệ thuận với chỉ số SPF. Do đó, SPF 30 sẽ có hiệu ứng gia tăng bảo vệ lớn hơn so với SPF 20 nhưng SPF 80 cũng sẽ không khác nhiều SPF 70. Và, kem chống nắng SPF 100 không có nghĩa là khả năng bảo vệ gấp 2 lần SPF 50. Cụ thể như thế này nhé, chống nắng với SPF 15 sẽ hấp thụ 93% tia UVB, SPF 30 là 97% còn SPF 50 hấp thụ 98%. Đó là lý do tại sao một số nước (chủ yếu ở châu Âu và gần đây là ở Mỹ) có quy định yêu cầu các nhà sản xuất không ghi trên nhãn sản phẩm với SPF trên 50 vì chỉ số này có thể gây hiểu lầm cho nhiều khác hàng. Ở những nước này, SPF trên 50 sẽ được ghi thành SPF 50+. Song, ở đất nước tôi đang sống, các công ty quảng cáo điên cuồng sản phẩm có chỉ số SPF cao và những khách hàng thiếu hiểu biết sẽ bị hấp dẫn giống như việc mê kẹo
Cập nhật thêm:
Đây là một dạng biểu đồ tiện dụng cho bạn. Như trên hình, chỉ số SPF cao tận trời thực sự chỉ là chữ số tăng lên còn về khả năng bảo vệ chống nắng, chỉ cần đạt SPF 30 là được (bảo vệ 97%). VÌ thế, nếu bạn đang có ý nghĩ dành nhiều tiền vào sản phẩm chống nắng có SPF 20000, thì hãy lựa chọn SPF 30. Bản thân tôi dùng sản phẩm có SPF 50 để dùng hàng ngày, nhưng cần nhắc lại lần nữa tôi là cô gái châu Á với mong muốn có làn da trắng nhợt nhạt giống ma cà rồng trong Twilight.
Dù sao chăng nữa, vậy là đủ. Hãy chuyển sang điểm thứ 2
(Chỉnh sửa bổ sung: chắc hẳn tôi phải có giác quan thứ 6 hoặc gì đó tương tự vì vài tháng sau khi viết bài này, FDA công bố một số thay đổi trong hướng dẫn cho sản phẩm chống nắng. Theo đó, các tuyên bố trên bao bì sản phẩm của các nhà sản xuất cần phải đính chính lại. Thay vì chỉ nêu “Broad spectrum” (bảo vệ phổ rộng), giờ hãng phải ghi rõ hiệu quả chống nắng UVA và UVB đồng thời những sản phẩm SPF trên 50 phải ghi thành SPF 50+. Thế tốt hơn, phải không nào. Bạn có thể đọc thêm ở đây, về công bố thay đổi của FDA here)
(Chỉnh sửa thêm: Đây không thực sự là blog có tính chất giới thiệu nhưng nó thực sự thú vị khi biết thêm thông tin tại sao chỉ số SPF có thể gây hiểu lầm – cơ bản thì các hãng biện bạch rằng các thành phần khác (các chất chống oxi hóa và kháng viêm) có thể làm lệch các phép đo SPF khiến chúng trông có vẻ cao hơn so với thực tế. Nói tóm lại, bạn không nên chỉ quan tâm tới chỉ số SPF mà cũng cần chú ý tới chỉ số bảo vệ khỏi UVA)
2. Biết sản phẩm đang dùng là chống nắng vật lý hay hóa học
Sản phẩm chống nắng bảo vệ bạn theo 2 cách – vật lý và/hoặc hóa học. Một sản phẩm chống nắng có thể hoàn là có tính chất vật lý, hóa học hoặc cả 2. Các màng lọc vật lý sử dụng các thành phần (chỉ có 2 loại là titanium và kẽm oxit) để phản hắt lại và phân tán tia nắng mặt trời. Do đó, về cơ bản, các thành phần này nằm trên bề mặt da và dội lại ánh mặt trời khi chúng chiếu xuống. (có lẽ rất dễ hiểu cho mọi người). Đây chính là cách thức ngăn chặn tia nắng theo cách vật lý. Các màng lọc hóa học (avobenzone, octocrylene etc) hoạt động theo cách khác. Các chất này hấp thụ tia UV tới da và chuyển chúng thành hơi nóng (hi vọng bạn dễ hiểu chỗ này)
Vậy thì có sự khác biệt gì giữa 2 loại này? Chống nắng vật lý sẽ không được thẩm mỹ - nếu bạn có vệt trắng trên mặt thường là do màng lọc vật lí trong sản phẩm. Hơn nữa, chống nắng loại này dày và đục hơn nên thường có dạng đặc khiến nhiều người không thích. Ngược lại, nói chung chúng bền vững hơn và ít gây trầm trọng thêm cho da nhạy cảm. Kem chống nắng hóa học sẽ có dạng đẹp hơn, chúng thường không màu và có nhiều nước (rất nhiều sản phẩm chống nắng tại Nhật giống mô tả trên) đồng thời không tạo nên các vệt trắng trên da. Nhưng đổi lại, nó dễ làm tăng mức độ trầm trọng của da nhạy cảm. Đối với một vài sản phẩm điều chế kết hợp ẩu, da sẽ dễ bị mẩn ngứa và gây bỏng da nhạy cảm. (cũng còn mối lo ngại về hóa chất chống nắng xenoestrogenic, nhưng tôi sẽ không đề cập vì bản thân chưa có nhiều chuyên môn về mảng này)
Vì vậy, nếu da bạn nhạy cảm, tốt hơn nên dùng chống nắng vật lý. Tôi thường nhận phản hồi từ các bạn nữ quen biết nói về một loại chống nắng cụ thể nào đó khiến da họ bị mẫn cảm. Rồi khi kiểm tra, tôi mới biết họ dùng sản phẩm chống nắng chủ yếu với màng lọc hóa học . Dĩ nhiên, điều này quá chung chung vì mỗi người có làn da khác nhau và cũng có quá nhiều cách thức tạo thành một loại chống nắng (chất nền bên cạnh các thành phần hoạt tính, có thể chứa các hợp chất gây kích ứng da). Nhưng nếu da nhạy cảm, rất đáng để bạn cân nhắc. Lời cuối – sẽ có sự cân bằng giữa tính thẩm mỹ và mức độ tăng nặng của da. Cho nên bạn cần tìm kiếm sự cân bằng, và nó bắt đầu bằng việc hiểu biết sự khác nhau giữa màng lọc vật lý và hóa học
Cập nhật thêm: trong công cuộc lựa chọn sản phẩm chống nắng, tốt nhất nên quan tâm tới 2 yếu tố: chống nắng bảo vệ cả UVA và UVB cũng như tính chất tấm lọc bảo vệ da, là hóa học hay vật lý để giảm tính trầm trọng cho da. Sau đây biểu đồ thu gọn tóm tắt một số màng lọc chống nắng được sử dụng phổ biến, cả hóa học và vật lý (Như tôi đã nói, chỉ có 2 loại màng lọc vật lý) cũng như mức độ bảo vệ khỏi UVA và UVB của các chất này
Nếu danh sách liệt kê trên còn quá ngắn thì bởi vì FDA chỉ ghi danh sách các tên INCI (International Nomenclature Cosmetic Ingredient – danh mục thành phần mỹ phẩm quốc tế), không có tên hãng hay công ty bán sản phẩm. Chẳng hạn, Helioplex (bạn có thể thấy trong các sản phẩm chống nắng của Neutrogena) thực chất là sự kết hợp của avobenzone và oxybenzone, không hoàn toàn là một màng lọc chống nắng độc lập. Vì đây là biểu bảng từ FDA, nó sẽ không bao gồm các màng lọc tuy được chứng nhận ở đâu đó nhưng không phải chứng nhận của FDA. Để biết thêm danh sách những chất này, xem ở đây here.
3. Phủ các sản phẩm có SPF chồng lên nhau sẽ không có thiệu quả
Một câu hỏi tôi thường gặp phải khác là “Nếu tôi dùng dưỡng ẩm có SPF 15 và chống nắng SPF 20, thì chỉ số SPF trên mặt sẽ là 35?”. Tôi ghét phải làm điều này vì rất nhiều cô nàng nghĩ như vậy nhưng thực tế thì câu trả lời là KHÔNG. Rồi những cô gái ấy lại hỏi “Vậy sẽ là SPF 20, theo chỉ số cao hơn trong 2 loại chứ?”. Một lần nữa, vẫn là KHÔNG
Lý do tại sao SPF 15 + SPF 15 không bằng SPF 30 là vì một số thành phần SPF không thể can thiệp vào nhau mà chúng ổn định riêng biệt. Điều này phải làm với vấn đề về tính bền vững với ánh sáng của sản phẩm chống nắng. Một số thành phần làm giảm bớt tác dụng của các thành phần khác, vì vậy tác dụng bảo vệ sẽ giảm đi. Một ví dụ điển hình chính là thành phần titanium dioxide hoặc kẽm oxit làm giảm tác dụng của avobenzene. Nói cách khác, nếu thành phần chống nắng của bạn có kẽm oxit và các loại chống nắng khác chứa avobenzene thì không nên dùng chúng cùng nhau hoặc phủ lên nhau. Ngược lại, các thành phần khác, lại có tác dụng giúp ổn định tính chất của nhau – chẳng hạn, avobenzene sẽ ổn định hơn nhờ một lượng octocrylene, do đó chúng thường được kết hợp trong các sản phẩm chống nắng
Sự thật là, không dễ để nói cho bạn biết một loại chống nắng này sẽ tác dụng với loại khác như thế nào trừ phi bạn biết chính xác thành phần hoạt tính của các sản phẩm đó cũng như cách thức chúng phản ứng với nhau. Tuy nhiên không phải tất cả chúng ta đều là những chuyên gia. Vì vậy cách đơn giản nhất là chỉ dùng MỘT sản phẩm có SPF chống nắng và sử dụng đúng cách. Bằng cách đó, bạn có thể chắc chắn không có bất kì thành phần chống nắng nào khác ngăn cản tác dụng của sản phẩm bạn đang dùng. Và cũng vì thế, không nên dùng kem dưỡng ẩm chống nắng, kem nền có SPF và cố gắng phủ lên nhau. Đó chỉ là một cách lãng phí công dụng bảo vệ chống nắng trong sản phẩm.
(Đây là lý do tại sao tôi cực ghét các sản phẩm dưỡng ẩm và kem nền có chỉ số SPF mà sẽ dùng kem chống nắng riêng. Thật không may, gần như mọi sản phẩm dưỡng ẩm hoặc kem nền, phấn nền mới đều có SPF, do quy luật cung – cầu. Những khách hàng không hiểu biết, mù mờ thông tin yêu cầu phải có chỉ số SPF trong sản phẩm mà đáng ra không nên có)
Điều gì tiếp theo bây giờ.
4. Thoa chống nắng đúng cách
Tôi luôn ngạc nhiên khi nhiều cô nàng dành tiền cho sản phẩm chống nắng nhưng lại không dùng đúng cách. Ý tôi là, nếu bạn định dùng hãy đảm bảo mình dùng đúng nếu không sẽ không tận dụng hết tác dụng bảo vệ của sản phẩm. Có 2 vấn đề lớn với việc thoa kem chống nắng: Không thoa đủ và chà xát quá mạnh
4a. Thoa không đủ lượng
Bạn có biết chỉ số SPF được tính bằng cách nào không? Nó được tính bằng cách đo tổng lượng bảo vệ UV của sản phẩm chống nắng, khi phủ 2mg sản phẩm / 1 cm2 da. Vâng, 2mg/1cm2. Nếu ít hơn thì mức độ bảo vệ sẽ thấp hơn so với SPF ghi trên nhãn mác
Vậy 2mg/cm2 khi lên mặt sẽ trông như thế nào? Để dễ hiểu hơn, nó tương đương nửa muỗng café dành cho mặt và cổ và nửa muỗng cho mỗi cánh tay (đó là cách tính xấp xỉ và sẽ đa dạng tùy vào diện tích da vùng mặt, cổ, cánh tay). Hầu hết những người tôi biết đều không dùng đúng liều lượng cần thiết, dù họ có mua những sản phẩm đắt tiền. Thật là đáng tiếc. Hãy nhớ, luôn dùng ít nhất nửa muỗng café hoặc nếu còn nghi ngờ, bạn có thể dùng thêm một chút nữa. Lượng dùng bao nhiêu sẽ quyết định mức độ bảo vệ da bạn nhận được
Giờ tiếp theo sẽ là lỗi nào liên quan tới việc thoa chống nắng?
4b. Chà xát mạnh sản phẩm lên da
Sản phẩm chống nắng cần bôi trên da không bị trầy xước, và nằm ở lớp bề mặt. Đó là cách nó dội lại/phân tán/ hấp thụ tia UV trước khi chúng tấn công da. Do vậy khi thoa chống nắng, đó chính là mục đích cần làm. Chà xát hay cọ kem chống nắng sẽ làm vỡ tính nguyên vẹn của lớp da trên cùng làm ảnh hưởng tới tính hiệu quả của sản phẩm. Tôi biết có thể các bạn chỉ muốn làm tăng tác dụng bảo vệ của sản phẩm nhưng nó cần nằm trên bề mặt da để hoạt động hiệu quả nhất. Đây là kem chống nắng không phải dưỡng da
Tương tự, nhiều người thoa kem chống nắng, chà vào da rồi phủ phấn nền lên trên. Làm như vậy, tác dụng chống nắng sẽ giảm đi. Tôi đoán rằng những người trang điểm lên lớp chống nắng thì việc cọ xát là không thể tránh khỏi – mẹo nhỏ là hạn chế tối đa hành động này
Quan điểm 3 và 4 ở trên dẫn đến lời khuyên cuối cùng này của tôi, đó là….
5. Chống nắng ở những sản phẩm không chống nắng là vô dụng
Đương nhiên, không phải là quá vô dụng. Nhưng nhìn chung, trừ phi những sản phẩm này được sử dụng giống kem chống nắng, còn lại bạn sẽ chẳng nhận được nhiều tác dụng bảo vệ từ những sản phẩm đó. Nghĩa là, 1. Phải thoa lên da nhiều như với kem chống nắng (2mg/cm2) và 2. Không chà xát vào da, 3. Không chồng chéo các sản phẩm lên nhau
Giờ bạn biết tại sao lại nói chống nắng trong sản phẩm không phải dành để chống nắng, chẳng hạn dưỡng ẩm, phấn/ kem nền có SPF cũng không tác dụng gì. Đầu tiên bởi vì, chẳng ai thoa với lượng 2mg/cm2 phấn nền lên mặt. Lúc đó bạn sẽ trông chẳng tự nhiên chút nào. Tương tự với kem dưỡng ẩm và phấn phủ. Cho nên, mặc dù sản phẩm kem/phấn nền có chỉ số SPF 15 chăng nữa thì tác dụng bảo vệ gần như không có nếu không dùng lượng nửa thìa café cho mặt và cổ. Trong thực tế, trong bài viết của một sinh viên dược this post on Futurederm, cô ấy ước tính “lượng SPF thực tế nhận được trong sản phẩm phấn phủ SPF 15 là 1.1, và dưỡng ẩm có SPF 15 sẽ là 8 – 10, với lượng dùng trung bình”
(Đính chính thêm: nếu nửa muỗng cafe khó hình dung thì bài viết trên Futurederm từ lúc blog spot này tồn tại thực sự khá hữu ích, trong đó John đổ 1 lượng cần thiết kem chống nắng ra lòng bàn tay (anh ấy dùng với lượng khoảng 1/4 muỗng cafe, dùng cho vùng da trên khuôn mặt, không bao gồm cổ). Giờ hãy tưởng tượng bạn muốn được bảo vệ hoàn toàn với SPF 20 từ phấn nền, liệu bạn có thoa lên mặt một lượng nhiều như thế hay không? Đương nhiên bạn sẽ không muốn dùng quá nhiều phấn nền trên mặt - trang điểm như vậy sẽ quá dày)
Vấn đề thứ 2 cần giải quyết là việc cọ, chà lên da. Khi dùng sản phẩm dưỡng ẩm, kem nền và phấn phủ hay các sản phẩm trang điểm khác, bạn thường có xu hướng xoa và chà vào da. Ý tôi là, việc thoa mỹ phẩm trang điểm đúng kĩ thuật nghĩa là sẽ có nhiều sự hòa trộn, phải không? Thật không may, điều này sẽ làm giảm độ bao phủ của SPF. Nghĩa là, để đạt được mức độ bảo vệ SPF 15 như ghi trên nhãn kem nền, bạn phải dùng nửa thìa cafe sản phẩm và cố gắng không hòa trộn thêm chất gì khác
Cuối cùng, bạn không thể phủ các sản phẩm có SPF (hoặc có thể làm vậy nhưng các thành phần hoạt tính sẽ cản trở tác dụng của nhau) chồng lên nhau. Tôi đã đề cập vấn đề này rồi vì vậy sẽ không nói chi tiết gì nữa. Giờ thì bạn đã biết tại sao tôi ghét kem nền, phấn phủ, dưỡng ẩm, v.v có tác dụng chống nắng trong đó. Nó chỉ đơn thuần là chiêu trò tiếp thị, ngoài ra chẳng có tác dụng gì vì hầu hết mọi người dùng các sản phẩm này theo cái cách gần như chẳng thể nhận tác dụng bảo vệ UV
Medshop.vn dịch
Theo musicalhouses.blogspot.sg/
Các bài gần đây
Titanium Dioxide và Zinc Oxide trong kem chống nắng
Bạn có thể bị dị ứng do trang điểm?
Tất cả những điều cần biết về kẽm oxit và kem chống nắng của bạn
Đánh giá