10 March, 2022 0 nhận xét Nhận xét
Sau khi mắc COVID-19, một số người gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc. Áp dụng những cách sau đây để cải thiện giấc ngủ của bạn.
Thông thường, mọi người phục hồi sau khi mắc COVID-19 sau khoảng 2 - 6 tuần. Trong khi hầu hết những người bị COVID-19 hồi phục và trở lại sức khỏe bình thường, một số người có thể có các triệu chứng kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng sau khi hồi phục từ bệnh cấp tính mặc dù chúng không lây cho người khác trong thời gian này.
Sau khi mắc COVID-19, nhiều người thường cảm thấy khó ngủ, trằn trọc và ngủ rất ít so với trước đó. Việc không ngủ đủ giấc càng khiến bạn mệt mỏi vào ngày hôm sau, cảm thấy uể oải và không tỉnh táo để hoàn thành công việc, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống.
Chỉ cần thực hiện một vài điều chỉnh trong lối sống hàng ngày sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng mất ngủ hoặc nâng cao chất lượng giấc ngủ của bạn.
Dưới đây là một số mẹo đơn giản về các biện pháp khắc phục giấc ngủ tự nhiên mà bạn có thể kết hợp để có được giấc ngủ ngon hơn.
1. Thay đổi lối sống
Một trong những thay đổi hiệu quả nhất bạn có thể thực hiện để cải thiện giấc ngủ của mình là ngủ đúng giờ mỗi ngày. Cố gắng duy trì điều này ngay cả trong những ngày cuối tuần. Sau một thời gian, đồng hồ cơ thể hoặc nhịp sinh học của bạn sẽ quen với những mốc thời gian này. Điều này sẽ giúp bạn dễ ngủ vào ban đêm và giúp bạn dễ dàng thức dậy vào buổi sáng. Khi cơ thể của bạn bắt đầu quen với những thời gian mới này, bạn sẽ tự động thức dậy ngay cả khi không có đồng hồ báo thức.
Tuân theo một lịch trình ngủ nhất quán giúp não bộ của bạn nhận biết khi nào thì nên ngủ và khi nào thì thức dậy. Bạn nên thực hiện thay đổi này một cách từ từ, chẳng hạn như thử ngủ sớm hơn mỗi ngày.
Bạn cũng nên tránh xem tivi hay sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc máy tính bảng ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ vì ánh sáng xanh phát ra có thể khiến bạn khó có một giấc ngủ ngon.
Nếu trước đây bạn chưa tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu lập kế hoạch và cố gắng thực hiện thói quen tập thể dục mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể của bạn lên một vài độ. Vào cuối ngày, khi bộ điều nhiệt bên trong cơ thể giảm trở lại mức bình thường, nó sẽ kích hoạt cảm giác buồn ngủ và giúp bạn ngủ ngon hơn. Nếu bạn tập thể dục ngoài trời, bạn sẽ được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, giúp cơ thể bạn thiết lập một chu kỳ ngủ - thức tốt.
2. Tạo môi trường ngủ phù hợp
Đừng đánh giá thấp những lợi ích mà một môi trường thoải mái có thể mang lại cho giấc ngủ của bạn. Nếu xung quanh bạn ồn ào khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, hãy nghe nhạc với âm thanh thiên nhiên hoặc nhạc êm dịu. Ngoài ra, cần tạo môi trường vừa đủ thoáng mát, ánh sáng dịu nhẹ và yên tĩnh.
Bạn cũng có thể thực hiện các thói quen trước khi đi ngủ để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi ngủ. Hãy thư giãn bằng cách giảm độ sáng của đèn, nghe nhạc nhẹ, đọc sách hoặc tắm nước ấm. Thực hiện các hoạt động này theo thứ tự giống nhau mỗi đêm sẽ tạo ra một mô hình để não của bạn nhận ra chúng là khúc dạo đầu của giấc ngủ.
Khi ngủ dậy, bạn nên tiếp xúc với một chút ánh sáng mặt trời vào buổi sáng. Chỉ cần 15-30 phút ở ngoài trời nắng mỗi ngày có thể giúp đánh thức bạn và thiết lập lại nhịp sinh học.
3. Thay đổi chế độ ăn uống
Cuối cùng, thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện giấc ngủ của bạn. Tránh các bữa ăn no vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ. Ngoài ra, hãy cắt giảm lượng caffeine vì nó là một chất kích thích có thể giúp bạn tỉnh táo. Tránh uống rượu vì nó có thể làm bạn mất nước và làm gián đoạn giấc ngủ của bạn do khiến bạn thức dậy vào nửa đêm để đi uống nước.
Nếu bạn vẫn khó ngủ sau khi thực hiện những gợi ý này, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ có thể đề nghị thay đổi lối sống, liệu pháp hoặc thuốc khác có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Thiên Châu
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Viêm mũi họng ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách chăm sóc
Nguyên tắc "vàng" giúp bạn duy trì sức khỏe
Mắc COVID-19 có gây yếu sinh lý ở nam giới?
Thủ dâm có lợi và hại thế nào với nồng độ testosterone?
Sau mắc COVID-19, phụ nữ nên đợi bao lâu để mang thai là tốt nhất?
Đánh giá