05 November, 2019 0 nhận xét Nhận xét
Bên cạnh những lý do quen thuộc dẫn đến SUY NHƯỢC mạn tính (chronic fatigue syndrome, CFS), bao gồm thiếu ngủ, chế độ ăn uống kém, lối sống ít vận động, căng thẳng và các vấn đề sức khỏe liên quan; nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy hệ miễn dịch cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Kiệt sức khi cơ thể vẫn khỏe!
Không ít bệnh nhân đến gặp bác sĩ nội thần kinh than phiền: “Tôi mệt mỏi quá. Tôi ước gì mình có thể ngủ được một giấc ngon vào mỗi buổi trưa”.Dân văn phòng ít khi được ngủ trưa đúng nghĩa với khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi. Nhiều người như chị Nguyễn Thị H. T. (40 tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) cứ đến cuối giờ chiều lại cảm thấy người như không còn năng lượng, nói không ra hơi. Đặc biệt, chị vừa mới trải qua một cơn cảm cúm vì mưa nắng thất thường.
“Mệt mỏi mọi lúc” là một than phiền phổ biến, trở thành vấn đề y tế - xã hội, có thể tiến triển nghiêm trọng đến mức can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của người bệnh. Mệt mỏi có thể tác động tiêu cực đến hiệu suất trong công việc, cuộc sống gia đình và các mối quan hệ xã hội. Sự mệt mỏi này kéo dài ít nhất 6 tháng và không thuyên giảm dù đã được nằm nghỉ ngơi trên giường.
Các triệu chứng của suy nhược mạn tính khác nhau dựa trên cá nhân và mức độ nghiêm trọng. Hội chứng suy nhược mạn tính có thể gây những cơn đau cơ và khớp mà không đỏ hoặc sưng; các vấn đề về nhận thức như suy giảm trí nhớ, mất tập trung; đau đầu kinh niên, đau họng dai dẳng; rối loạn kinh nguyệt và khiến bạn nhạy cảm với các kích thích bên ngoài, như ánh sáng, âm thanh và xúc giác. Đặc điểm nổi bật của tình trạng này là sự bất ổn sau gắng sức, đó là khi một người nào đó kiệt sức trong nhiều giờ, nhiều ngày hoặc thậm chí vài tháng sau khi “lạm dụng” quá mức cơ thể.
Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi cực độ sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần, được gọi là bất ổn sau gắng sức (PEM).Điều này có thể kéo dài hơn 24 giờ sau khi cuộc vận động. Suy nhược mạn tính cũng ảnh hưởng đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như: cảm thấy không được thỏa mãn sau một đêm ngủ, mất ngủ mạn tính. Dễ cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu khi chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng.
Các triệu chứng đôi khi thậm chí có thể biến mất hoàn toàn, được gọi là sự thuyên giảm. Tuy nhiên, nó vẫn có thể khiến các triệu chứng quay trở lại sau đó, được gọi là tái phát. Chu kỳ thuyên giảm và tái phát này có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát các triệu chứng.
Khởi đầu từ một trận chiến chống nhiễm trùng!
Nguyên nhân của hội chứng suy nhược mạn tính vẫn chưa được biết, mặc dù có nhiều giả thuyết - từ nhiễm virus đến căng thẳng tâm lý. Một số chuyên gia tin rằng hội chứng suy nhược mạn tính có thể được kích hoạt bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính thường trải qua sự mệt mỏi cực độ. Nguyên nhân của tình trạng vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhiều bệnh nhân cho biết tình trạng của họ bắt đầu sau khi hệ thống miễn dịch của họ chống lại nhiễm trùng.
Những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính dường như quá nhạy cảm với ngay cả số lượng tập thể dục và hoạt động hàng ngày bình thường. Một số người có thể được sinh ra với khuynh hướng rối loạn, sau đó được kích hoạt bởi sự kết hợp của các yếu tố.
Một số người gặp các triệu chứng giống như cúm, nhiễm virus, suy giảm nhận thức và rối loạn giấc ngủ. Hệ thống miễn dịch của những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính dường như bị suy yếu hơn so với nhóm bình thường. Các triệu chứng chồng chéo với những người từng gặp các rối loạn hệ thống miễn dịch.
Ngoài ra, những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính đôi khi cũng gặp phải nồng độ hormone trong máu bất thường được sản xuất ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận.
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy nhược mạn tính còn bao gồm:
- Tuổi tác: Hội chứng suy nhược mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ảnh hưởng nhất đến những người ở độ tuổi 40 và 50.
- Giới tính: Phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng suy nhược mạn tính thường xuyên hơn so với nam giới, nhưng có thể phụ nữ nhiều khả năng thổ lộ các triệu chứng của họ với bác sĩ.
- Stress mạn tính: Thường xuyên căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm có thể góp phần vào sự tiến triển của hội chứng suy nhược mạn tính.
Điều trị SUY NHƯỢC mạn tính
Mệt mỏi là một vấn đề mơ hồ và khó khăn khi các bác sĩ muốn tìm hiểu tiền sử, tư vấn, và ra toa, trong khi, các xét nghiệm vẫn cho thấy chỉ số cơ thể gần như bình thường. Do vậy, không có xét nghiệm duy nhất để xác nhận chẩn đoán hội chứng suy nhược mạn tính. Bạn có thể cần một loạt các xét nghiệm y tế để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có triệu chứng tương tự.
Các bác sĩ luôn cố gắng xác định nguyên nhân cơ bản khiến bệnh nhân bị suy nhược mạn tính. Nhiều lý do khiến mọi người trở nên suy nhược, và do đó, có nhiều cách để khắc phục tình trạng này. Điều trị hội chứng suy nhược mạn tính tập trung vào giảm triệu chứng.
Trước tiên, người bệnh cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản và điều trị thích đáng các vấn đề sức khỏe này, có thể giúp người bệnh giúp giảm bớt mệt mỏi:
- Thiếu máu.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ.
- Kiểm soát đường huyết kém.
- Tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức.
- Nhiễm trùng.
- Béo phì.
- Phiền muộn.
- Nhịp tim bất thường.
Trong một nghiên cứu, những người tham gia báo cáo rằng sự mệt mỏi, lo lắng và trầm cảm giảm xuống, trong khi chất lượng cuộc sống được cải thiện sau 2 tháng tập thiền chánh niệm.Một nghiên cứu về lợi ích của yoga, đã tìm thấy một số cải thiện các triệu chứng mệt mỏi và chất lượng giấc ngủ ở những người sống sót sau ung thư.Chương trình kéo dài 4 tuần bao gồm các tư thế, thiền, thở và một số kỹ thuật khác.
Điều cần lưu ý là, những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính thường có mệt mỏi kéo dài, đau khớp, nhức đầu, khó ngủ, kém tập trung và mất trí nhớ ngắn hạn. Những triệu chứng này gây ra khuyết tật vận động và đau khổ đáng kể. Tuy nhiên, hãy tiếp tục vận động đều đặn, thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ thường xuyên, sẽ giữ cho cuộc sống năng động, mạnh mẽ và bổ sung năng lượng; nhưng đừng thúc ép bản thân quá mức.
Chia bài tập thành nhiều buổi ngắn mỗi ngày, tập một phút và có thể nghỉ ngơi 3 phút sau đó và cứ thể lặp đi lặp lại. Hãy thử các loại bài tập sau:
- Duỗi tay.
- Đứng lên và ngồi xuống.
- Chống đẩy tường.
- Nhặt và nắm bắt đồ vật.
Bắt đầu với 2 - 4 lần lặp lại và nhiều nhất là 8 lần.
Những người bị suy nhược mạn tính thường có xu hướng lượng axit béo thiết yếu trong cơ thể thấp, axit này đóng một vai trò rất quan trọng để giảm viêm và tăng cường khả năng miễn dịch. Trong một nghiên cứu, những người bổ sung axit béo thiết yếu sẽ giảm các triệu chứng suy nhược mạn tính sau 8 - 12 tuần.
Ngoài ra, chế độ ăn giàu rau xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, hay quan trọng nhất là bổ sung thêm những thực phẩm giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào cơ thể chống lại những tổn thương do các gốc tự do thường góp phần gây đau cơ, nhức đầu, kiệt sức ở những người mắc hội chứng suy nhược mạn tính.
ThS.BS. LƯƠNG CÔNG MINH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Giảm ham muốn, tăng cân và 4 dấu hiệu cho biết hormone của bạn đang mất cân bằng
Làm thế nào để theo dõi chu kì kinh nguyệt của bạn?
Phái mạnh cần làm gì để tinh trùng khỏe, dễ thụ thai
Những thói quen ảnh hưởng tới tinh trùng
Giáo dục giới tính: Cần thay đổi cách nhìn nhận từ trong gia đình
Mối liên hệ giữa vô sinh hiếm muôn và ung thư tuyến tiền liệt
Đánh giá