17 January, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy có chị em “nhận trái đắng” do đi làm đẹp. Hỏng da, hỏng tóc, thậm chí tăng sắc tố da và hoại tử phải nhập viện,... là những tai nạn thường gặp...
Corticoid - cái bẫy của những lời đường mật
Làn da chính là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể người, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của vi khuẩn, bụi bẩn, sự thay đổi nhiệt độ cũng như sự tàn phá của tia tử ngoại UVA và UVB.
Trên thực tế, mức độ “trắng sáng” của làn da được quy định bởi những sắc tố melanin do cơ thể sản xuất, càng có nhiều sắc tố melanin thì màu da, tóc và mắt của bạn càng có màu tối hơn. Da của người châu Á thường chứa nhiều sắc tố melanin. Chính vì thế, da của người châu Á thường hấp thụ tia tử ngoại khá “tốt”, nhất là khi ra nắng nhiều, da sẽ sản sinh nhiều melanin hơn, dẫn đến tình trạng da rám nắng, sạm da. Làm trắng da thường dựa vào 1 trong 2 nguyên tắc sau: Ức chế sản sinh melanin từ các tế bào melanocyte hoặc tiêu diệt triệt để tế bào melanocyte; hoặc tẩy da chết hóa học, giúp kích thích tẩy tế bào chết và sản sinh tế bào mới sáng khỏe hơn. Vì thế nên làn da bạn không thể trắng lên cấp tốc chỉ trong vòng 5-7 ngày mà phải mất một khoảng thời gian nhất định, ít nhất là từ 1-3 tháng mới có thể thấy được hiệu quả.
Sử dụng các sản phẩm chứa corticoid làm trắng da sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Kem trộn (dù không phải là tất cả) nhưng phải có đến 90% sản phẩm chứa chất corticoid - thành phần luôn được hứa hẹn sẽ làm trắng, mịn da, giúp da căng bóng chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là một phương pháp làm trắng cực kỳ nguy hiểm cho làn da. Corticoid là chất có tác dụng ức chế, chống viêm mạnh. Tác dụng phụ đầu tiên có thể nhận thấy của corticoid là làn da sẽ trắng và mịn màng một cách nhanh chóng, da căng bóng như ngậm nước và trắng dần lên. Tuy nhiên, tác dụng ngắn hạn này của corticoid sẽ là khởi đầu cho những thảm họa về sau nếu bạn có dấu hiệu lạm dụng kem dưỡng hay sản phẩm có chứa corticoid. Công dụng ức chế chống viêm phản tác dụng quay sang làm yếu hệ thống bảo vệ của da khiến da dễ bị các yếu tố tác động từ môi trường gây viêm da kích ứng, nổi mụn kịch phát, giãn mạch máu sâu trong da, gây chảy sệ, làn da không thể sinh sản đủ tế bào mới bù đắp cho các tế bào chết dẫn tới xù xì, đen sạm.
Khi ngưng sử dụng sản phẩm có chứa corticoid, da sẽ rơi vào tình trạng lệ thuộc corticoid và trở nên sần sùi, đen sạm, nhăn nheo, tiết nhiều nhờn, xuất hiện nhiều mụn và lan rộng ra hơn. Khi ra ngoài trời nắng rất dễ bỏng rát, mức độ bỏng rát phụ thuộc vào nồng độ cũng như cơ địa của từng người.
Làm trắng da với corticoid thì rất nhanh nhưng để điều trị da bị nhiễm corticoid và đưa da trở về trạng thái ban đầu mất rất nhiều thời gian, từ 1 tháng, 3 tháng và thậm chí sẽ phải mất cả năm trời cùng một khoản tiền rất lớn mới có thể chữa trị hoàn toàn cho da.
Tăng sắc tố sau điều trị laser
Để sở hữu làn da trắng hồng, hết nám lại đặc biệt muốn nhanh nên nhiều chị em lựa chọn phương pháp sử dụng tia laser để điều trị nám. Với hiệu quả điều trị nhanh nhờ sử dụng bước sóng và năng lượng phù hợp, công nghệ này đang rất được ưa chuộng. Nhưng nhiều người sau điều trị da không những sáng hơn mà có dấu hiệu thâm sạm và tối màu hơn. Rất có thể bệnh nhân đã bị tăng sắc tố sau điều trị. Trong quá trình tác động cơ học của laser, vùng da điều trị thường mỏng, yếu và xuất hiện phản ứng viêm làm tăng sinh melanin bảo vệ da. Khi melanin tập trung quá mức tại một vùng da nhất định sẽ xuất hiện các đốm mảng sẫm màu gây ra tình trạng tăng sắc tố.
Vùng tăng sắc tố của mỗi người thường khác nhau, nhưng đa phần là các mảng rộng, có màu từ vàng nhạt đến nâu sẫm. Tăng sắc tố tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẽ gây mất thẩm mỹ khuôn mặt. Tình trạng này tăng sinh rất nhanh, nếu để lâu vết sắc tố sẽ lan rộng, màu sẫm và vùng da bị nám sẽ bắt đầu quay trở lại. Bên cạnh đó, laser chỉ làm phá vỡ các mảng sắc tố chứ không có tác dụng loại bỏ tế bào melanocytes sản sinh melanin. Do vậy, hiệu quả mà laser mang lại chỉ là tức thời. Chưa kể, quá trình này phụ thuộc nhiều vào tay nghề của bác sĩ và công nghệ máy móc thực hiện.
Hiện tượng một số phòng khám tư nhân trưng biển quảng cáo hấp dẫn như: “công nghệ laser mới nhất, điều trị rám má, tàn nhang, mụn thịt hiệu quả, an toàn” đánh vào thị hiếu làm đẹp của rất nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, quan trọng nhất của phẫu thuật thẩm mỹ bằng laser là trước khi phẫu thuật, bác sĩ phải thăm dò xem vùng điều trị đó có tăng sẹo sinh lồi hay không, đặc biệt với tổn thương vùng rộng và sau phẫu thuật phải giữ gìn như thế nào để không bị tăng sắc tố. Tuy nhiên, nhiều nơi chủ yếu quan tâm đến việc điều trị bệnh mà quên mất yếu tố thành công là tư vấn cho người bệnh sau thực hiện laser. Bởi máy móc là dụng cụ hỗ trợ, người làm thủ thuật phải tiên lượng, tùy từng tổn thương, tùy từng bệnh mà tư vấn. Nếu không chú ý đến chăm sóc sau đó thì bệnh nhân rất dễ để lại di chứng như sẹo lõm, sẹo lồi hoặc thâm. Vì thế, ngoài dặn bệnh nhân ăn kiêng thì bác sĩ cần phải tư vấn cho bệnh nhân tránh ánh sáng, nhưng không phải cứ ngồi trong nhà là vết sẹo đó không bị thâm, chỉ cần mặt hướng ra ánh sáng hoặc đi lại ngoài hành lang cũng bị ánh sáng mặt trời tác động. Do vậy khi ra ngoài phải đeo khẩu trang dày, dùng kem chống nắng kết hợp uống thuốc, luôn có ý thức không hướng mặt ra ngoài...
Lời khuyên của thầy thuốc
Cận Tết, nhu cầu làm đẹp của chị em là tất yếu nhưng không nên nghe theo lời quảng cáo mà tự ý sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm, không đến những cơ sở làm đẹp thiếu uy tín. Hiệu quả và duy trì vẻ đẹp một cách dài lâu cần thận trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm, lựa chọn phương pháp làm đẹp phù hợp, chỉ sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt của các thương hiệu uy tín. Tránh ham rẻ, thiếu hiểu biết mà mua phải hàng giả, hàng nhái, không những không đem lại hiệu quả mà còn gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tàn phá nhan sắc chính mình.
ThS.BS. Phạm Đăng Bảng
Theo Sức khỏe đời sống
Serum da mặt là gì và làm thế nào để chọn đúng loại da mình cần?
Chọn đúng thực phẩm bổ sung cho từng mối quan tâm về sắc đẹp của bạn
Nếu quan tâm đến sức khỏe, hãy quan tâm đến làn da
Những nốt mụn đang cố nói với bạn điều gì?
Đánh giá