17 April, 2020 0 nhận xét Nhận xét
Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể chịu trách nhiệm bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh. Nhưng đôi khi hệ miễn dịch cũng thất bại khiến mầm bệnh xâm nhập thành công và làm cho bạn bị bệnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp vào quá trình này nếu biết cách năng cao chức năng hệ miễn dịch cơ thể.
Chức năng hệ miễn dịch bị ảnh hưởng bởi cấu trúc di truyền cá nhân cũng như các yếu tố bên ngoài khác như chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ, căng thẳng, quá trình lão hóa bình thường, vận động tập thể dục …
Trong đó, theo các nhà khoa học, vận động ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hệ miễn dịch.
Ví dụ bệnh phổ biến nhất mọi người thường mắc phải bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm xoang, viêm amidan… hay còn gọi chung là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hầu hết các bệnh này do virus. Người lớn trung bình có hai đến bốn lần mắc phải các bệnh này mỗi năm, ở trẻ em số lượng này tăng lên gấp đôi. Nhưng trong một nghiên cứu kéo dài một năm với hơn 500 người trưởng thành, cho thấy việc tham gia từ 1-2 giờ tập thể dục vừa phải mỗi ngày liên quan đến việc giảm 1/3 nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp trên so với nhóm không hoạt động (Nieman et al. 2011). Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người tập thể dục 2 ngày trở lên mỗi tuần có số ngày nghỉ học hoặc nghỉ làm việc do cảm lạnh hoặc cúm giảm một nửa so với nhóm những người không tập thể dục.
Tăng cường vận động ảnh hưởng đến việc lưu thông của kháng thể và bạch cầu trong cơ thể. Bạch cầu là các tế bào miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh tật. Khi kháng thể hoặc bạch cầu có thể lưu thông trong cơ thể nhanh hơn, chúng có thể phát hiện các yếu tố gây bệnh sớm hơn.
Bên cạnh đó, nhiệt độ cơ thể tăng tạm thời trong và ngay sau khi tập thể dục cũng có thể ngăn vi khuẩn phát triển. Sự gia tăng nhiệt độ này có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng tốt hơn. (Điều này tương tự khi bạn bị sốt)
Tập thể dục sẽ làm hạn chế giải phóng các hormone gây căng thẳng như cortisol, epinephrine, giảm tình trạng stress sẽ làm tăng sức khỏe hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật.
Trong điều kiện hạn chế ra ngoài, mỗi người nên tích cực vận đồng bằng những bài thể dục phù hợp với không gian của mình như: tập luyện yoga, squat, xà đu, khiêu vũ …
Đặc biệt với trẻ em là đối tượng cần được vận động nhiều để hỗ trợ tăng trưởng cũng như tăng sức đề kháng, trong giai đoạn phải ở trong nhà hạn chế ra ngoài, bố mẹ nên tổ chức và chơi các trò chơi cùng con như: bật nhảy, nhảy bao bố, múa theo âm nhạc, trốn tìm … để trẻ được vận động, phấn khích và hạn chế các thiết bị điện tử.
Ngoài ra, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng khuyên mọi người nên tăng cường chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, bổ sung các chế phẩm tăng cường các vitamin và khoáng chất có lợi cho hệ miễn dịch như: vitamin C, vitamin D, kẽm, selen….
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Nguy cơ mất cân bằng giới tính tại Việt Nam
Một số bài tập đơn giản giúp dạ dày khỏe
9 cách tối ưu hóa hệ thống miễn dịch khi đang thực hiện cách ly xã hội
Đánh giá