Vật nuôi đua nhau chết, người ngã bệnh và nhiều bất ổn về sức khỏe. Để giải quyết vấn đề, nhiều người mang đơn đi cầu cứu vì sợ sự ô nhiễm sẽ lan rộng và cửa biển. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được các cấp chính quyền Khánh Hòa xử lý triệt để.
Lo đổ bệnh
Từ ngày sông Suối Cạn trở thành nỗi ám ảnh, quặn thắt bởi gánh trên mình lớp chất thải đen quạnh, dòng nước liên tục đổi màu, hàng nghìn người dân ở Cam Thịnh Đông chỉ biết thở dài trong nỗi tiếc nuối vô hạn.
Ông Cao Đỗ Văn (thôn Hòa Diêm) ngậm ngùi: Đây là sông quan trọng, nó nối liền với cửa biển của TP. Cam Ranh, cung cấp nước cho mấy trăm hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy hải sản. Vậy mà, mấy năm nay, chất thải từ Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Công ty thủy sản Cam Ranh) đưa thẳng ra, mỗi khi thủy triều dâng lên, nước chảy vào đầm, đìa và các khu dân cư, rất ảnh hưởng. Có hôm tôm cá chết trắng sông. Hàng loạt người già và trẻ em phải đeo khẩu trang. Lúc đi chăm vật nuôi cũng vậy. Mà giờ cũng chả còn vật nuôi, ốc, cá nào sống nổi.
Đại diện UBND xã Cam Thịnh Đông cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh xuống hiện trường cùng các hộ dân ngày 20/3.
Sống gần trọn đời bên sông Suối Cạn, ông Nguyễn Văn T. uất nghẹn: Trở trời hay nước dâng lên là thở không được, thuê nhà nơi khác thì không đủ tiền mà đi tá túc người quen mãi cũng ngại nên phải bám trụ lại. Trẻ nhỏ ở đây bệnh suốt, có đứa thở khò khè mãi không khỏi.
Rạc người ôm đơn đi kêu các cơ quan chức năng cứu lấy sông, lấy biển, ngày 20/3 vừa rồi, trước mặt chúng tôi cùng đại diện UBND xã Cam Thịnh Đông, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh, gần trăm hộ dân thôn Hiệp Thanh và Hiệp Mỹ như tàu lá héo, nhưng giữa trưa nắng vẫn phăm phăm lội xuống sông và cửa biển Cam Ranh múc lên những tảng bùn đen kịt và giãi bày những bức xúc. Ông Cao Đỗ Văn chua xót trình bày với đoàn cán bộ rằng: Cả lớp bùn ở đáy sông và cửa biển giờ thành lớp chất thải dày hơn 10cm rồi. Biết lội xuống, về sẽ ghẻ ngứa nhưng cũng phải lội để thấy mức độ ô nhiễm đã tích tụ đến mức nào. Công ty sản xuất quy mô lớn thế thì lượng thải ra không đo đếm được.
Thấy vật nuôi chết, vừa làm thuê đắp đổi qua ngày, ông Cao Đỗ Văn vừa đi “mật phục” hệ thống xả thải của Công ty thủy sản Cam Ranh. Theo trình bày và chỉ dẫn trực tiếp tại hiện trường của ông Văn với đại diện các cơ quan chức năng thì: Chất thải không được xử lý gì hết, cho thẳng ra sông, biển, vào ban đêm hoặc khi trời mưa.
Hy vọng được cải thiện
Điều lo sợ, phập phồng với cư dân Cam Thịnh Đông là có gia đình truyền đời đi kêu cứu nhưng sông, biển vẫn phải gồng mình hứng chịu các loại chất thải ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chất thải đọng dưới đáy sông, cửa biển màu đen kịt và hôi thối.
Ngước nhìn cảnh đầm cá, đìa tôm cạnh nhà xác xơ, hoang tàn, ông Cao Đỗ Văn và hàng chục hộ dân ngao ngán: Cha tôi là ông Cao Văn Hồng trước lúc sức yếu, nhiều năm cũng đi khẩn cầu các cấp ở tỉnh Khánh Hòa nên cứu sông, cứu biển nhưng chưa được đáp ứng thì chân đã chùn vì già, giờ lại đến lượt tôi, không biết hy vọng rồi có thành thất vọng. Có tháng không thiết làm gì cả, chỉ ra cửa biển xem mỗi ngày bị gánh bao nhiều chất thải thôi. Ai cũng im lặng thì tương lai sẽ ra sao?.
Vừa khuyên người dân hãy giữ nghề truyền thống nhưng trong lòng ông Nguyễn Hồng Anh cũng bề bộn nỗi lo âu và chia sẻ: Mình còn có chút tài sản có giá trị để mà thế chấp, có chút vốn xoay sở chứ nhiều hộ khác rất khó khăn. Xót lắm! Hệ lụy trước mắt thì đã thấy rõ, rồi còn về lâu dài nữa, cứ đà này thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Lúc thủy triều dâng cao, mênh mông nước biển vốn màu xanh chuyển thành màu đen như mực vậy, rất khủng khiếp! Chúng tôi quay, chụp lại hình ảnh đó, mỗi lần xem lại là rưng rưng. Hy vọng việc đại diện ủy ban xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh đã trực tiếp xuống và chứng kiến cùng các hộ dân trong ngày 20/3 rồi thì sẽ có báo cáo lên cấp trên, để người dân bớt hoang mang.
UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, đã nắm được tình hình và soạn văn bản mời đại diện nhiều hộ dân lên để ghi nhận các bức xúc và báo lên cấp trên có phương án xử lý.
Từng là điển hình sản xuất giỏi, khấm khá trong xã Cam Thịnh Ðông nhưng giờ ông Nguyễn Cảnh đối diện phá sản. Càng nhớ về lúc sông, biển trong lành, ông Cảnh càng đau tiếc, thở dài: Nuôi mười thì chết chín. Nuôi con gì chết con đó. Ô nhiễm tích tụ vậy không có gì chịu nổi. Kinh tế ngày càng khánh kiệt, sức khỏe thì ai cũng khó thở. Mấy hộ khá thì trụ được chứ không phải bỏ xứ mà đi mới sống nổi. Mà, đời nọ nối tiếp đời kia sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, giờ lay lắt đi làm việc khác, ai cũng u buồn cả. Có hôm cả trăm hộ dân lên bày tỏ mong muốn khẩn thiết với Công ty thủy sản Cam Ranh đừng đầu độc môi trường nữa nhưng họ chả đoái hoài.
Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO - LÊ THỊNH
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Thuốc nhuộm tóc có ảnh hưởng thai nhi?
Lợi ích của vitamin C cho làn da, tóc và sức khỏe
Kem chống nắng hóa học liệu có an toàn? Ý kiến từ FDA theo nghiên cứu mới
7 Bí quyết đánh bại cái lạnh đáng ghét
Đánh giá