28 March, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Thuốc nhỏ mắt Polydexa, Neodex, Polydecaron, Dexacol... có thành phần corticoid, được chỉ định bán theo toa bác sĩ song nhiều người có thói quen tự mua tự dùng.
Chỉ với 3.000 đồng, không cần toa bác sĩ, nhiều người dễ dàng mua được một lọ thuốc nhỏ mắt hiệu Collydexa 5 ml. Mắt bị đỏ, đau, cộm, sưng, phù nề hay thậm chí mỏi mắt do đọc sách hay làm việc trên máy tính nhiều, đỏ mắt do bụi đường…; chỉ cần nhỏ vài giọt thuốc này đã cảm thấy rất dễ chịu, mắt nhanh hết đỏ. Thế nhưng nhiều người không để ý là trên vỏ hộp có dòng chữ nhỏ “thuốc bán theo đơn” và tờ hướng dẫn sử dụng cũng liệt kê một loạt tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc. Ví dụ với thành phần dexamethason (một loại corticoid), thuốc được cảnh báo “dùng lâu ngày có thể gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc bề mặt, mỏng lớp giác mạc”.
Biến chứng nguy hiểm là vậy nhưng nhiều người không đọc hoặc phớt lờ hướng dẫn sử dụng này vì nó không gây chết người hoặc cho rằng chỉ nhỏ bên ngoài mắt nên không ảnh hưởng. Thực tế, tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị suy giảm thị lực nghiêm trọng, mù lòa do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid. Có người còn rất trẻ chỉ 17-18 tuổi, thậm chí trẻ nhỏ đã bị mù do biến chứng bệnh glôcôm - hậu quả của việc dùng thuốc chứa corticoid thời gian dài.
Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho bé mới 10 tuổi nhưng đã bị đục thủy tinh thể, bị glôcôm ở giai đoạn phát triển khiến trẻ nhìn mọi vật như nhìn qua ống nhòm. Bác sĩ lo ngại bệnh của bé có thể tiến triển nặng hơn đến lúc không thể nhìn thấy gì. Nguyên nhân chỉ vì bé ban đầu bị viêm kết mạc dị ứng, gia đình thường xuyên nhỏ thuốc mắt chứa corticoid cho bé.
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid có nhiều tên thương mại như Polydexa, Neodex, Polydecaron, Dexacol..., được bán phổ biến trên thị trường hiện nay. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) cho biết, trong chuyên ngành nhãn khoa thuốc kháng sinh kết hợp corticoid (như dexamethason) là loại thuốc chủ đạo. Các loại thuốc này được bác sĩ chỉ định cho nhiều bệnh nhân mắt, một số trường hợp bị viêm nhiễm do virus. Thuốc có tính kháng viêm mạnh, hiệu quả điều trị nhanh. Tuy nhiên, thuốc không được khuyến khích dùng lâu dài vì có nhiều tác dụng phụ lên tất cả các cơ quan trong cơ thể. Với mắt, nếu sử dụng không đúng, thuốc có thể làm bệnh trầm trọng lên hoặc dẫn đến đục thủy tinh thể, glôcôm..., suy giảm thị lực, những tổn thương này không thể cứu vãn.
Bác sĩ Cương ví dụ, người bệnh nấm giác mạc nếu cứ ngứa, đỏ mắt là mua thuốc corticoid về nhỏ mắt bệnh sẽ nặng thêm gây biến chứng thủng giác mạc hoặc làm cho vết loét rộng ra, lâu lành sẹo và có thể dẫn đến thủng giác mạc, mù. Với bệnh nhân đau mắt đỏ, bác sĩ cân nhắc để kê loại thuốc nhỏ mắt này trên cơ sở thăm khám trực tiếp và chỉ định khi đau mắt đỏ kéo dài 5-7 ngày không hết, không có tổn thương ở đáy mắt, không có biến chứng giác mạc. Nếu bệnh nhân đã có biến chứng tổn thương giác mạc, nhỏ loại thuốc nhỏ mắt này sẽ khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Bác sĩ Cương nhấn mạnh, dùng loại thuốc nhỏ mắt có corticoid phải do bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ định, không được tự ý dùng một cách vô tội vạ. Về nguyên tắc sử dụng, loại thuốc này được chỉ định dùng từ một tuần đến 10 ngày, tình trạng bệnh thuyên giảm hay không vẫn phải đổi loại thuốc khác. Một số bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch như viêm màng bồ đào là bệnh mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid lâu hơn, thậm chí suốt đời, song theo nguyên tắc giảm dần liều và theo dõi chặt chẽ biến chứng.
Theo Vnexpress
Các bài gần đây
Thừa sắt trong cơ thể có thể gây tổn thương gan
Bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, bác sĩ tiết lộ nguyên nhân do hàng triệu mẹ Việt gây nên
Viêm loét hang vị dạ dày gây biến chứng gì?
Tại sao cơ thể con người cần nhiều vitamin D
Dị ứng mắt và những lưu ý trong chữa trị
Thận trọng với tác dụng phụ của vitamin B12!
Hạn chế thiếu máu nhược sắc ở tuổi dậy thì
Chữa trị hội chứng ruột kích thích
Đánh giá