27 March, 2017 0 nhận xét Nhận xét
Tìm và loại tác nhân gây bệnh
Trước hết, bạn phải biết đâu là những chất gây dị ứng cho bạn (dị nguyên). Nếu cần thiết chúng ta phải khám bác sĩ chuyên về dị ứng giúp tìm ra các dị nguyên này bằng các test tìm kháng nguyên đặc hiệu, tiến hành trên da hoặc trong máu.
Nếu phấn hoa gây dị ứng cho bạn thì bạn nên tránh ra ngoài đường khi mật độ phấn hoa cao nhất ở trong không khí, thường là sáng sớm hoặc chiều tối hoặc khi trời lặng gió. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, ta nên đeo kính râm hoặc kính gọng thông thường để phòng ngừa phấn hoa bám vào mắt. Để giảm thiểu tiếp xúc với phấn hoa hay kích thích mắt do phấn hoa, ta nên đóng cửa sổ, dùng điều hòa không khí. Cũng không thể dùng quạt thông gió, phấn hoa sẽ chui vào nhà và tích tụ bên trong. Dùng chế độ làm sạch - clean của điều hòa không khí để loại trừ phấn hoa ra ngoài. Nếu nấm mốc là nguyên nhân gây phiền toái cho bạn, hãy ghi nhớ là độ ẩm phát sinh ra nấm mốc. Ta nên duy trì độ ẩm trong nhà luôn ở mức 30-50%. Làm vệ sinh khu vực ẩm mốc trong nhà thường xuyên cũng là biện pháp tốt. Tầng hầm, khu bếp, phòng tắm cần được làm sạch thường xuyên, có thể dùng máy hút ẩm ở những khu vực trên.
Đi khám bác sĩ để có thể kiểm soát những triệu chứng của dị ứng mắt. Ảnh: TM
Nếu ai đó bị dị ứng bụi nhà thì nên tránh tiếp xúc tối đa với bụi, đặc biệt ở khu phòng ngủ. Việc sử dụng các vật liệu chống dị ứng làm vỏ gối, ga giường có thể giảm bớt tình trạng bám bụi trên các vật dụng này, không để da hay mắt tiếp xúc nhiều với bụi. Bạn cũng nên lau chùi giường nằm thường xuyên, nên lau bằng nước nóng chí ít là 60 độ C. Khi lau sàn nhà, không nên dùng giẻ hay cây lau khô mà nên dùng giẻ hay cây lau ẩm để bẫy bụi.
Nếu lông súc vật là dị nguyên gây bệnh, ta nên để vật nuôi ở ngoài nhà nhiều nhất có thể. Chỉ khi thật cần thiết mới cho chúng vào nhà. Kiêng kỵ nhất là cho vật nuôi vào phòng ngủ vì bạn thực sự cần một buồng ngủ không có tác nhân gây dị ứng. Xem xét việc thay vật liệu lót sàn bằng gỗ hay gạch lát chứ không dùng thảm nữa. Sau cùng là luôn tránh gãi hay day dụi mắt. Chúng chỉ làm phản xạ ngứa thêm trầm trọng mà thôi.
Điểm chú ý trong điều trị dị ứng mắt?
Nước mắt nhân tạo: nước mắt nhân tạo giúp mắt dễ chịu nhất thời bằng rửa trôi đi các dị nguyên khỏi bề mặt nhãn cầu. Chúng cũng giúp chống khô mắt, làm ẩm mắt. Các sản phẩm này có thể dùng thường xuyên.
Thuốc chống sung huyết - có và không có kháng histamin: làm giảm đỏ mắt do dị ứng, trên vỏ lọ hoặc hướng dẫn sử dụng thường ghi tác dụng chống ngứa, chống đỏ mắt do thành phần có chất co mạch và kháng histamin. Thường chỉ nên dùng trong vài ngày, dùng lâu hơn có thể làm các triệu chứng nặng thêm.
Thuốc kháng histamin đường uống: có thể hữu hiệu để chống ngứa trong các trường hợp nặng. Tuy nhiên, nếu dùng kéo dài có thể gây khô mắt và làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Thuốc kháng histamin và ổn định màng dưỡng bào: các thuốc nhỏ mắt có một hoặc cả hai hoạt chất trên giúp điều trị và phòng ngừa dị ứng. Tùy theo thành phần và hướng dẫn sử dụng, bạn có thể nhỏ ngày 1-2 lần để chống ngứa, giảm đỏ mắt, chống chảy nước và cảm giác nóng rát.
Các thuốc có corticosteroid: dùng để điều trị các bệnh dị ứng nặng và mạn tính, giảm ngứa đỏ và phù nề nhanh chóng nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ. Bạn cần dùng theo đơn của bác sĩ, tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ thời gian điều trị và lịch tái khám.
Liệu pháp miễn dịch: một số thuốc điều hòa miễn dịch dạng tra nhỏ mắt có thể được sử dụng cho những trường hợp nặng, không đáp ứng với các thuốc đã nêu trên. Liệu pháp giải mẫn cảm bằng cách dùng kháng nguyên, liều nhỏ sau đó tăng liều dần, đưa vào cơ thể để thích nghi từ từ. Nếu thành công, ta sẽ loại bỏ được cơ chế miễn dịch tiêu cực cũ và giải quyết được tận gốc vấn đề.
Lời khuyên của thầy thuốc
Điều trị dị ứng có một số nguyên tắc nhất định. Trước hết là cả bệnh nhân, thân nhân và gia đình nên kiên trì thực hiện y lệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa. Đừng quên là rất khó để “tiêu diệt” dị ứng. Có chăng là các bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát chúng để có cuộc sống tương đối bình thường. Dị ứng sẽ lui giảm không ít thì nhiều và có thể khỏi nếu đến tuổi trưởng thành. Trong lúc chờ đợi đến khi đó, hãy là bệnh nhân “thông thái”, đừng dùng thuốc sai chỉ định hay lạm dụng thuốc làm hại sức nhìn của bạn.
BS. Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương)
Theo Sức khỏe đời sống
Các bài gần đây
Thận trọng với tác dụng phụ của vitamin B12!
Hạn chế thiếu máu nhược sắc ở tuổi dậy thì
Chữa trị hội chứng ruột kích thích
Tăng chất lượng trứng trong vòng 90 ngày
Điều trị tình trạng kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
7 triệu chứng phụ nữ không nên bỏ qua
Tìm ra bí quyết của “tinh binh” thành công
Cách khắc phục những triệu chứng nghén khủng khiếp của các bà bầu
Đánh giá